NASA thiết kế máy bay chở khách siêu thanh không gây tiếng nổ
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) khởi động dự án thiết kế mẫu máy bay phản lực chở khách mới có tốc độ siêu thanh nhưng không gây tiếng nổ như phi cơ huyền thoại Concordes.
Hôm 29/2, NASA tuyên bố ký hợp đồng trị giá 20 triệu USD với công ty Lockheed Martin nhằm phát triển thiết kế sơ bộ cho một loại máy bay chở khách không gây ồn, có thể bay với tốc độ siêu thanh. Mẫu máy bay thử nghiệm có người lái sẽ sử dụng Công nghệ Siêu thanh Tĩnh (QueSST) để tạo ra âm thanh êm tai thay vì tiếng nổ siêu thanh.
Mẫu máy bay siêu thanh không ồn đầu tiên do NASA chế tạo có thể cất cánh vào năm 2020. (Ảnh: NASA).
Theo CNN, đây là dự án đầu tiên trong loạt máy bay X thuộc sáng kiến Chân trời Hàng không Mới của NASA. "Những chiếc máy bay hướng đến mục tiêu tạo ra hành trình sạch hơn, an toàn hơn và yên tĩnh hơn trong khi bay nhanh hơn, và xây dựng một hệ thống hàng không vận hành hiệu quả hơn", Charles Bolden, quản trị viên NASA, cho biết.
Tiếng nổ siêu thanh sinh ra từ sóng xung kích khi máy bay đạt vận tốc cực lớn, phá vỡ "bức tường âm thanh". Sóng xung kích gây ra thay đổi áp suất không khí đột ngột, làm phát ra những tiếng nổ có thể nghe rõ từ khoảng cách vài kilomet. NASA đang làm việc với các kỹ sư ở cơ sở hàng không Skunk Works của Lockheed ở Palmdale, California, để triệt tiêu tiếng nổ siêu thanh bằng thiết kế của máy bay. Một số ý tưởng thiết kế cho tiếng nổ thấp của NASA bao gồm thân máy bay thuôn dài, phần mũi hình kim, cánh hình tam giác.
Thời kỳ di chuyển bằng máy bay chở khách siêu thanh kết thúc khi hãng Hàng không Anh và Pháp ngừng sử dụng máy bay Concordes vào năm 2003 do mẫu máy bay này tiêu tốn nhiều nhiên liệu, cần trang bị đặc biệt và chi phí bảo dưỡng cao. Tiếng nổ siêu thanh do Concordes gây ra khiến nó bị giới hạn trong những chuyến bay qua đại dương, nơi không có dân cư sinh sống.
Theo dự kiến của NASA, quá trình thiết kế và chế tạo phiên bản máy bay siêu âm không ồn đầu tiên với kích thước bằng một nửa mẫu thật sẽ kéo dài vài năm và chuyến bay đầu tiên sẽ khởi hành vào năm 2020.