Nga “bỏ rơi” tên lửa Proton-M
Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) sẽ tạm dừng phóng tên lửa Proton-M với hệ thống đẩy Briz-M sau khi tên lửa này thất bại trong việc đưa hai vệ tinh viễn thông lên quỹ đạo do tầng trên của tên lửa bị trục trặc hồi đầu tuần này.
>>> Nga thất bại trong việc đưa 2 vệ tinh lên quỹ đạo
Nga đã phóng Proton-M với hệ thống đẩy Briz-M, mang theo hai vệ tinh viễn thông là Telkom 3 và Express MD2 vào đêm ngày 6/9 vừa qua, từ trung tâm vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Tuy nhiên, hệ thống đẩy và 2 vệ tinh đã không thể vào đúng quỹ đạo chuyển tiếp do gặp phải sự cố bất ngờ ở động cơ của thiết bị đẩy Briz-M.
Roscosmos sẽ tạm dừng sử dụng tên lửa Proton-M và hệ thống đẩy Briz-M. (Ảnh: Rian)
Roscosmos mới đây đã thông báo họ sẽ tạm dừng phóng tên lửa Proton-M với hệ thống đẩy Briz-M, cho tới khi có kết quả điều tra về nguyên nhân thất bại trong vụ phóng vệ tinh viễn thông Telkom 3 và Express MD2.
“Tất cả các vụ phóng tên lửa Proton-M sắp tới sẽ bị trì hoãn cho đến khi ủy ban khẩn cấp điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn tới thất bại trong vụ phóng vệ tinh vừa qua”, một nguồn tin của Roscosmos cho biết trên hãng tin RIA Novosti.
Một nguồn tin trong ngành công nghiệp vũ trụ Nga cho rằng, động cơ của hệ thống đẩy Briz-M gặp trục trặc có thể là do một mảnh rác trong vũ trụ. Trong khi đó, một chuyên gia vũ trụ giấu tên của Nga nhận định, vụ phóng vệ tinh thất bại vừa qua có thể do lỗi của con người.
“Lỗi của con người có thể là nguyên nhân của tai nạn vừa qua. Sự cố có thể do các thao tác sứ mệnh không được tính toán chính xác hoặc một số trục trặc với động cơ của thiết bị khi tên lửa đã bay vào không gian”, vị chuyên gia giấu tên cho biết.
Đây không phải lần đầu tiên hệ thống đẩy Briz-M gặp trục trặc. Trong lần phóng đầu tiên cùng với tên lửa Proton vào tháng 7/1999, tầng thứ 2 của tên lửa đã không hoạt động khiến hệ thống đẩy và thiết bị vệ tinh mang theo không thể bay vào quỹ đạo. Vào tháng 8/2011, hệ thống đẩy Briz-M cũng gặp trục trặc khiến vệ tinh viễn thông Express-AM4 bị rơi.