Nga sẽ phóng tàu thu mẫu vật từ mặt trăng sao Hỏa
Nga sẽ lần thứ hai nỗ lực thực hiện việc đem về Trái đất các mẫu bụi từ Phobos, một trong hai mặt trăng của sao Hỏa, sau lần đầu tiên bất thành hồi tháng 11/2011 với việc con tàu vũ trụ của họ rơi trở lại Trái đất, RIA Novosti dẫn một nhà khoa học hàng đầu cho hay ngày 15/10.
Nỗ lực tiếp theo của Nga nhằm thu vật chất từ mặt trăng lớn nhất của sao Hỏa dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 2020-2022, Lev Zelyony - Giám đốc Viện Nghiên cứu Vũ trụ thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga, cho biết trong một cuộc họp báo.
Vệ tinh tự nhiên Phobos của sao Hỏa - (Ảnh: ESA)
Ông này nói rằng kế hoạch trên, có biệt danh là "Boomerang", vẫn "còn quan trọng" và tuyên bố các mẫu vật lấy từ Phobos có thể đưa đến những khám phá mới để trả lời câu hỏi về sự khai sinh của hệ mặt trời.
Phobos, tên được đặt theo nhân vật trong thần thoại Hy Lạp có nghĩa là "sợ hãi", được cho là một tiểu hành tinh bị sao Hỏa bắt giữ vào trong quỹ đạo của nó, có thể chứa các vật chất tồn tại từ thời kỳ ban sơ tạo nên hệ mặt trời, mặc dù nguồn gốc của Phobos vẫn còn là một bí ẩn.
Vào tháng 11/2011, Nga đã thực hiện sứ mệnh trị giá 165 triệu USD đưa tàu Phobos-Grunt lên mặt trăng sao Hỏa để thu mẫu vật nhưng sớm gặp thất bại.
Bộ phận đẩy bị sự cố khiến tàu Phobos-Grunt nặng 13,5 tấn, trong đó có 7,5 tấn nhiên liệu độc hại, không thể bay xa hơn và mắc kẹt trong quỹ đạo Trái đất ở độ cao hơn 345km trong cả tháng, rồi sau đó rơi xuống Thái Bình Dương vào ngày 16/1/2012.
Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Nga đã có tổng cộng 17 lần thất bại trong việc nghiên cứu sao Hỏa từ năm 1960. Thất bại trước vụ phóng tàu Phobos-Grunt là vụ tàu Mars-96 không thể rời bệ phóng trong lúc khởi động hồi năm 1996.