Nghĩa địa cá voi lớn khác thường dưới đáy biển
Hơn 60 bộ xương cá voi chìm dưới vùng biển ngoài khơi Los Angeles, nhiều hơn tổng số bộ xương được tìm thấy trên toàn thế giới từ năm 1977.
Eric Terrill và Sophia Merrifield, hai nhà hải dương học từ Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California San Diego, dẫn đầu nhóm nghiên cứu thực hiện các cuộc khảo sát vào năm 2021 và 2023 nhằm đánh giá lượng chất thải trên 350km2 đáy biển ngoài khơi Los Angeles, bang California. Bên cạnh hàng loạt thùng chất thải độc hại, họ còn phát hiện số lượng lớn xương cá voi, Smithsonian hôm 20/7 đưa tin.
Một bộ xương cá voi chìm ở ngoài khơi California. (Ảnh: Ocean Exploration Trust/NOAA)
Hiện tượng cá voi chết và chìm xuống đáy biển như vậy gọi là "cá voi chìm" (whale fall). Cá voi chìm tạo nên các ốc đảo sinh học dưới đáy biển vốn nghèo tài nguyên, cung cấp thức ăn và cả môi trường sống cho nhiều sinh vật, từ cá hagfish ăn xác thối, cá mập ngủ đến vi sinh vật, trai, nghêu, giun, giun tròn, cua, sứa.
Trong cuộc khảo sát, 7 bộ xương cá voi đã được xác nhận ngoài khơi Los Angeles và tổng số nhiều khả năng lên đến hơn 60 bộ, vượt quá số lượng xương cá voi được tìm thấy trước đó trên toàn thế giới kể từ năm 1977 - 50 bộ. Những bộ xương mới phát hiện thuộc về cá voi xám, cá voi xanh, cá voi lưng gù, cá voi vây, cá nhà táng và cá voi minke, theo Greg Rouse, nhà sinh vật biển tại Viện Hải dương học Scripps. Craig Smith, nhà hải dương học từ Đại học Hawaii hiện đã nghỉ hưu, cho biết rằng số lượng xương nhiều gấp 3 - 5 lần mức ông ước tính.
Nhiều nguyên nhân có thể giải thích cho việc nhóm nghiên cứu tìm thấy số lượng lớn xương cá voi. Trước tiên, đây là cuộc khảo sát có độ phân giải cao nhất từng được thực hiện ở một khu vực có diện tích như vậy. Việc thiếu oxy trong nước cũng có thể góp phần giúp lượng lớn xương còn nguyên vẹn. Ở vùng nghèo oxy, các quá trình sinh học và vi sinh vật phân hủy xương cá voi diễn ra rất chậm. Một yếu tố khác là không có con sông nào chảy vào đại dương ở lân cận, do đó, có ít trầm tích che phủ những vật thể chìm như xương cá voi hơn.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng ít khả năng chất thải độc hại và vũ khí đổ xuống vùng biển này giết chết cá voi. Thay vào đó, nơi đây có nhiều tàu thuyền qua lại nên có thể nhiều cá voi chết do bị tàu đâm hơn những nơi khác. Hàng nghìn con cá voi xám di cư qua vùng biển này mỗi năm và cá voi xanh cũng thường xuyên kiếm ăn ở đây, theo John Calambokidis, nhà sinh vật biển tại tổ chức Cascadia Research Collective.
Các chuyên gia tại Viện Hải dương học Scripps dự định quay lại vùng biển ngoài khơi Los Angeles với phương tiện điều khiển từ xa để thu thập thêm ảnh và video về các vụ cá voi chìm, giúp xác định loài, thậm chí tìm kiếm dấu vết chấn thương do va chạm tàu. Smith và Rouse cũng muốn lấy mẫu xương cá voi để tìm hiểu nguyên nhân cái chết cũng như cuộc sống của chúng.
Số lượng lớn cá voi chìm mang đến cho giới khoa học cơ hội hiểu thêm về lưới thức ăn và cuộc sống của các sinh vật phụ thuộc vào chúng. Chúng cũng có thể hé lộ thêm thông tin về vai trò của xác cá voi phân hủy trong chu trình carbon và dinh dưỡng của đại dương.