Nghiên cứu cho thấy trâu nước sống rất tình cảm, thích kết bạn, chỉ cần hợp tính là sẽ chơi
Có vẻ như đi tìm một tình bạn chân thành trong thế giới này thật là khó.
Trong thế giới loài vật, có những câu chuyện tình bạn làm ta không khỏi bất ngờ. Một chú chó chơi với một chú mèo, một con khỉ kết thân với hươu cao cổ, hay thậm chí là những mối quan hệ kỳ lạ giữa con người và cá heo.
Giống như ở loài người, chúng ta thường mong rằng tình bạn là một tình cảm chân thành, vô tư và cởi mở. Nhưng sự thật với một số loài động vật, ví dụ như ở loài khỉ Nhật Bản, các nghiên cứu trước đây cho thấy tình bạn của chúng có đầy rẫy những toan tính.
Khỉ Nhật Bản duy trì một xã hội phân tầng theo giai cấp và những con khỉ chỉ thường kết bạn với những con khỉ khác được cho là cùng đẳng cấp với mình. Trong khi, một số cố gắng kết thân với những con khỉ có tầng lớp cao hơn trong đàn để được chúng ưu tiên, chia cho nhiều thức ăn, bảo vệ khỏi xung đột và châm trước khỏi các hình phạt khi chúng mắc sai lầm.
Thật xấu hổ khi tự soi mình trong gương, loài người chúng ta cũng ít nhiều nhận thấy một xu hướng tương tự như vậy. Có vẻ như đi tìm một tình bạn chân thành trong thế giới này thật là khó.
Trâu nước - loài vật thường bị gắn với hình ảnh cần cù cày ruộng, lầm lũi dưới nắng gắt.
Nhưng một nhóm nghiên cứu tại Đại học Thành phố Hồng Kông mới đây cho biết họ đã tìm được một tình bạn hội tụ đủ tính chân thành, không mưu cầu tính toán, vô tư lự trong thế giới động vật. Đó là tình bạn giữa những con trâu nước.
Đúng vậy, trâu nước, loài vật thường bị gắn với hình ảnh cần cù cày ruộng, lầm lũi dưới nắng gắt. Ai mà ngờ được rằng dưới vẻ ngoài "bụi đời" ấy lại là một trái tim chan chứa cảm xúc. Khi kết bạn, chúng chẳng màng tới địa vị xã hội của những con trâu khác, chẳng kết thân chỉ để nịnh nọt, nương tựa vào sức mạnh hay quyền lực của những con lớn hơn trong đàn.
Những con trâu nước sẽ chơi với nhau, chỉ khi tính cách và sở thích của chúng hợp nhau, bất chấp cả tuổi tác hoặc huyết thống. Kết luận này được rút ra sau khi các nhà nghiên cứu sử dụng camera để theo dõi hành vi của một đàn con trâu nước bán hoang dã sống ở Hồng Kông.
Có một thiên đường cho trâu nước ở Hồng Kông
Nhắc đến Hồng Kông, hầu hết mọi người chỉ hình dung đến Cửu Long Thành Trại, hay hình ảnh của một siêu đô thị, với mật độ dân số khủng khiếp khiến quỹ đất được tận dụng một cách triệt để.
Hiếm có ai biết bên trong thành phố này, vẫn tồn tại một công viên quốc gia, với những đồng cỏ xanh mát rộng lớn, những vùng đất ngập nước, những đầm lầy đầy bùn trở thành thiên đường của loài trâu nước.
Đó là Lantau, một hòn đảo tách biệt nằm ở phía tây của Hồng Kông. Mặc dù hòn đảo này vẫn là nơi sinh sống của hơn 100.000 người, quá tải với mật độ dân số của nó. Nhưng người Hồng Kông vẫn dành ra một nửa quỹ đất để duy trì một công viên quốc gia, nơi các nhà khoa học đã cố gắng tái thả một đàn trâu nước hoang dã để nghiên cứu hành vi của chúng.
Đảo lantau là một trong số ít nơi mà loài trâu nước được sống hoang dã.
Trâu nước tại đảo Lantau không chỉ sống tự do, không bị bắt làm việc như ở một số nơi khác, mà còn được cộng đồng địa phương bảo vệ và tôn trọng. Chúng có cuộc sống thong dong, tự nhiên đi lại, tìm kiếm thức ăn, và tận hưởng một nhịp sống chậm rãi, hòa hợp với thiên nhiên.
Về mặt số lượng, quần thể trâu nước trên đảo Lantau hiện được ước tính có khoảng 120–150 con (theo các báo cáo gần đây từ Hồng Kông). Xét về quy mô, quần thể trâu nước tại Lantau không thuộc top đầu về số lượng.
Các khu vực như Ấn Độ, Nepal, và Thái Lan mới có quần thể trâu nước đông đảo hơn nhiều, với hàng nghìn con. Tuy nhiên, xét về chất lượng cuộc sống và môi trường sống gần như "thiên đường", đảo Lantau lại nổi bật và độc đáo, trở thành điểm sáng trong việc bảo tồn loài trâu nước ở môi trường tự nhiên.
Đây là một trong số ít nơi mà loài trâu nước được sống hoang dã mà không chịu áp lực từ con người. Nó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên cứu cặn kẽ về loài động vật này, giúp họ tìm hiểu hành vi của trâu mà trong môi trường nuôi nhốt và thuần hóa, chúng không bao giờ thể hiện.
Chẳng hạn như khả năng kết bạn
Giống như nhiều loài động vật sống theo đàn khác, trâu nước có các mối quan hệ xã hội, bao gồm anh chị em ruột thịt, họ hàng và cả bạn bè. Và trong một nghiên cứu mới, ba nhà khoa học đến từ Đại học Thành phố Hồng Kông đã muốn tìm hiểu xem trâu nước có xu hướng kết bạn và duy trì tình bạn như thế nào?
"Sự giống nhau hoặc tương đồng về tính cách thúc đẩy các mối quan hệ xã hội mạnh mẽ được gọi là tình bạn ở con người và một số loài linh trưởng không phải người. Tuy nhiên, chúng ta hiện còn biết rất ít về "những nguyên tắc quyết định" nền tảng cho tình bạn ở các loài động vật khác.
Vì vậy trong nghiên cứu này chúng tôi đã quan sát một quần thể trâu nước hoang dã và thả rông (Bubalus bubalis) để xác định xem sự tương đồng tính cách có thúc đẩy tình bạn giữa các con cái ở loài móng guốc xã hội này hay không", các nhà khoa học cho biết.
Những con trâu có tính cách giống nhau thì thường tiếp cận và chơi cùng nhau nhiều hơn.
Để làm được điều đó, họ đã đặt camera theo dõi một đàn trâu nước gồm hơn 30 con cái sống trên đảo Lantau. Những con trâu này được phân loại theo tuổi tác, họ hàng và đặc biệt là tính cách, dựa trên các theo dõi hành vi xã hội của chúng.
Các nhà khoa học phát hiện ra 7 nhóm tính cách chính trong đàn trâu, bao gồm những con trâu gần gũi, thích chải chuốt. Một số khác thì cảnh giác, có xu hướng tránh né, một số thì lười biếng chỉ ngồi một chỗ trong khi số khác rất năng động và tinh nghịch. Ngược lại với một số con trâu hiền lành thì một số sẽ tỏ ra thích thống trị.
Dựa trên phả hệ, tuổi tác và tính cách của những con trâu này, các nhà khoa học đã theo dõi hành vi tương tác của chúng với nhau. Họ nhận thấy một xu hướng chung, trong đó, những con trâu có tính cách giống nhau thì thường tiếp cận và chơi cùng nhau nhiều hơn. Chúng thường đi ăn cùng nhau, ở cạnh nhau và rủ nhau chơi, lăn lộn trên những bãi bùn.
"Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng cho thấy tình bạn giữa trâu nước có thể hình thành giữa những cá thể có hành vi tương tự. Những phát hiện này cung cấp những hiểu biết có giá trị về sự tiến hóa của tình bạn", Tiến sĩ Debottam Bhattacharjee, một trong số các đồng tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Thành phố Hồng Kông cho biết.
Xu hướng kết bạn theo tính cách của trâu nước đã được thống kê.
Tại sao động vật lại coi trọng tình bạn?
Ở các loài xã hội, bao gồm cả con người, các "mối liên kết" trong một mạng lưới xã hội, ví dụ như tình ruột thịt, họ hàng và tình bạn đã được chứng minh có tương quan tích cực với sức khỏe, hạnh phúc và cả lợi thế sống còn đối với sinh vật.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy tình bạn không chỉ xuất hiện ở loài người, mà còn ở các loài động vật có xu hướng ổn định và lâu bền, hình thành vượt ra ngoài phạm vi các mối quan hệ họ hàng. Các cá thể trong một loài động vật có xu hướng kết bạn với nhau nếu lợi ích của tình bạn mang lại vượt qua chi phí mà chúng bỏ ra để duy trì tình bạn đó.
Ví dụ, tình bạn thúc đẩy sự hợp tác, giúp bảo vệ lẫn nhau khỏi nguy hiểm. Ví dụ, cá heo và sư tử thường phối hợp trong các nhóm thân thiết để đảm bảo an toàn. Khi có bạn bè đáng tin cậy, nguy cơ chúng bị bỏ lại hoặc bị tấn công giảm đáng kể.
Tình bạn giúp động vật chia sẻ thông tin và tài nguyên. Ví dụ, ở một số loài như sói hoặc chó hoang châu Phi, tình bạn dẫn đến khả năng phối hợp cao trong săn mồi và phòng thủ lãnh thổ.
Những cá thể hợp tác tốt thường có lợi thế lớn trong việc sinh tồn so với những cá thể đơn độc. Trong khi đó, loài tinh tinh thường hợp tác và chia sẻ thức ăn với bạn bè thân thiết. Điều này không chỉ đảm bảo nguồn dinh dưỡng ổn định mà còn giúp tiết kiệm năng lượng khi tìm kiếm thức ăn.
Tiếp đó, tình bạn cũng giúp động vật tăng cơ hội sinh sản, ngay cả đó là tình bạn đồng giới. Chẳng hạn, một số loài động vật thường tìm kiếm bạn tình theo bầy. Chim sẻ thường hình thành "đồng minh" cùng giới để hỗ trợ nhau trong việc thu hút bạn tình. Việc có nhiều bạn sẽ giúp chúng tăng cơ hội hấp dẫn một nhóm bạn tình lớn.
Và cuối cùng, tình bạn như loài người chúng ta, cũng giúp động vật được giãi bày tâm sự, giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe. Các nghiên cứu đã cho thấy các mối quan hệ bạn bè ở động vật kể cả cùng loài lẫn khác loài đều giúp chúng tăng cường hormone oxytocin, đem đến sự hạnh phúc và gia tăng tuổi thọ tổng thể.
Nghiên cứu cho thấy trâu nước là một loài động vật có tính xã hội cao.
Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi những con trâu nước cũng kết bạn với nhau, ăn cỏ cùng nhau và rủ nhau đi tắm bùn. Những phát hiện mới từ nghiên cứu này hoàn toàn phù hợp với các khám phá trước đây, cho thấy trâu nước là một loài động vật có tính xã hội cao.
"Hiểu được tình bạn giữa các cá thể trâu nước có thể giúp chúng ta nâng cao phúc lợi cho loài động vật này, giúp hoạt động bảo tồn chúng trở nên tối ưu và hiệu quả", các nhà khoa học kết luận.