Nghiên cứu công nghệ nhân bản lạc đà ở Dubai
Một số nhà nghiên cứu đang tích cực sử dụng công nghệ nhân bản để tạo ra những hoa hậu lạc đà, lạc đà vô địch chạy đua hoặc khôi phục loài nguy cấp.
Khi Nisar Ahmad Wani tiến hành nhân bản thành công con lạc đà đầu tiên trên thế giới vào năm 2009, đó là một thành tựu lớn. Hiện nay, Wani là giám đốc khoa học của Trung tâm công nghệ sinh học sinh sản ở Dubai. Wani và cộng sự chuyên nghiên cứu và phát triển kỹ thuật nhân bản mới cũng như duy trì ngân hàng tế bào, cho phép tạo ra bản sao của động vật, bao gồm trâu và cừu. Nhưng trọng tâm của trung tâm là nhân bản lạc đà, CNN hôm 1/3 đưa tin.
Lạc đà non nhân bản ở Trung tâm công nghệ sinh học sinh sản. (Ảnh: AFP).
Mỗi năm, trung tâm của Wani tạo ra hàng chục con lạc đà một bướu non. Trong số đó, nổi tiếng nhất là bản sao của những con lạc đà "nữ hoàng sắc đẹp", với sự kết hợp hoàn hảo giữa cặp môi trề và chiếc cổ dài. Các cuộc thi lạc đà rất phổ biến ở Vùng Vịnh và tiền thưởng có thể lên tới hàng chục triệu USD. Trong quá khứ, người tham gia có thể mất quyền thi đấu nếu sử dụng kỹ thuật bị cấm như tiêm silicon và chất làm đầy cho lạc đà, hoặc khiến bộ phận cơ thể chúng phình lên bằng vòng cao su. Nhưng lạc đà nhân bản không bị cấm.
Ngoài "hoa hậu" lạc đà, Wani và cộng sự cũng tạo ra những nhà vô địch chạy đua để thi đấu trong nhiều giải đua lạc đà của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và lạc đà chỉnh sửa gene để sản xuất protein trong sữa với nhiều ứng dụng dược phẩm. Họ cũng có thể mang đến cho chủ nuôi lạc đà bản sao của thú cưng đã chết thông qua mẫu tế bào lấy không lâu sau khi con vật chết.
Wani tiến hành quá trình sử dụng AND từ tế bào sinh dưỡng lấy từ con vật hiến tặng để nhân bản. Nhân từ tế bào hiến được đưa vào trứng và kích hoạt bằng hóa chất. AND từ tế bào sinh dưỡng bắt đầu hoạt động giống như ADN từ phôi thai, Wani giải thích. Sau khi kích hoạt, chúng được nuôi trong phòng thí nghiệm khoảng 7 - 8 ngày trước khi chuyển vào tử cung của lạc đà mang thai hộ. Con non chào đời có mọi gene từ con vật hiến tặng. Theo Wani, quá trình trên rất tinh vi và thất thường, với tỷ lệ lạc đà nhân bản đẻ thành công chỉ khoảng 10% so với 60% của lạc đà sinh tự nhiên.
Trung tâm nhân giống lạc đà và Trung tâm sinh sản lạc đà của Dubai cũng tạo ra lạc đà chất lượng cao. Nhưng thay vì nhân bản, hai trung tâm này tập trung vào chuyển phôi, tức thu thập phôi thai từ một lạc đà cái và cấy vào con khác để cải thiện tỷ lệ sinh sản.
Hiện nay, nhóm của Wani đang tìm cách sử dụng công nghệ nhân bản để giúp các loài nguy cấp. Lạc đà hai bướu Bactria hoang dã nằm trong số động vật có vú lớn nguy cấp nhất hành tinh, bị đe dọa bởi tình trạng mất môi trường sống và lai ghép với lạc đà chăn nuôi. Nhằm góp phần bảo tồn lạc đà Bactria, Wani và cộng sự đang phát triển kỹ thuật bao gồm chuyển nhân tế bào sinh dưỡng, trong đó một động vật chăn nuôi họ gần được dùng làm loài vật hiến trứng cũng như vật mang phôi thai nhân bản đến lúc đẻ. Năm 2017, con lạc đà Bactria nhân bản đầu tiên chào đời ở trung tâm bằng phương pháp này, sau khi cấy phối thai vào lạc đà một bướu.