Nghiên cứu hệ sinh thái từ tranh Ai Cập cổ
Cách đây khoảng 6 thiên niên kỷ, có khoảng 37 loài động vật hữu nhũ với kích thước cơ thể lớn từng rong ruổi trên các sa mạc và thung lũng sông mà ngày nay nằm trên lãnh thổ của Ai Cập.
Tuy nhiên, hiện chỉ còn 8 loài tồn tại thuộc địa phận của Ai Cập, và kết quả nghiên cứu mới cho thấy, nền nghệ thuật của người Ai Cập cổ đã giúp kể lại câu chuyện về sự biến mất của thảm sinh thái ở Bắc Phi.
Ảnh: redicecreations
Trong số những động vật được mô tả trong các bức vẽ thời Tiền vương triều Ai Cập, tức giai đoạn trước năm 3.100 trước Công nguyên, các chuyên gia của Đại học Bristol (Anh) đếm được có sư tử, chó hoang, voi, các loại linh dương, hươu cao cổ.
Bên cạnh giá trị nghệ thuật, những tranh vẽ này còn đóng vai trò làm tài liệu khoa học, bên cạnh các chứng cứ hóa thạch thu được trong khu vực.
Dựa trên tư liệu quý giá, các nhà nghiên cứu đã lập nên dòng thời gian chi tiết về sinh thái học, theo đó, những trường hợp tuyệt chủng có tác động dây chuyền trong cộng đồng sinh vật, theo báo cáo trên chuyên san PNAS.
“Nơi từng là một cộng đồng động vật có vú dồi dào và đa dạng hiện trở nên vô cùng khác biệt”, theo trưởng nhóm Justin Yeakel.
Khi số loài động vật giảm đi, đặc biệt là loài ăn cỏ kích thước nhỏ, những loài ăn thịt sống nhờ vào chúng cũng bị ảnh hưởng nặng nề và biến mất cùng với sự tuyệt chủng của những loài đó.