Ngô Bảo Châu làm giáo sư Đại học Chicago
Nhà toán học Ngô Bảo Châu, người có công trình được vinh danh là phát hiện khoa học quan trọng nhất của năm, vừa nhận lời mời làm giáo sư tại Đại học Chicago, Mỹ.
Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu. Ảnh: diendantoanhoc.org.
Theo Newswise, Bảo Châu chấp nhận quyết định bổ nhiệm vào ngày 25/1. Anh sẽ trở thành giáo sư toán của trường từ ngày 1/9/2010.
“Rõ ràng đây là một trong những nhà toán học xuất sắc nhất thời đại của chúng ta. Tôi kỳ vọng những điều thực sự lớn lao từ người thanh niên này”, Robert Fefferman, giáo sư toán kiêm trưởng khoa Vật lý của Đại học Chicago, phát biểu.
Ông Peter Constantin - trưởng khoa Toán của Đại học Chicago - nhận xét: "Bảo Châu đã đạt được những thành tựu đột phá. Công trình của cậu ấy là cầu nối giữa hai lĩnh vực (số học và hình học)".
Bảo Châu, 37 tuổi, được tạp chí Time tôn vinh sau khi anh chứng minh được bổ đề cơ bản trong "chương trình Langlands". Nếu chương trình Langlands được giải quyết, loài người sẽ gần như có được một cái nhìn thống nhất cho nhiều ngành của toán học hiện đại như số học, đại số và giải tích. Khi công trình của Bảo Châu - bao gồm gần 200 trang - được xác nhận là đúng, giới toán học khắp thế giới đã thở phào nhẹ nhõm.
“Cơ hội cộng tác chặt chẽ hơn với các đồng nghiệp tại Đại học Chicago đóng vai trò quan trọng đối với quyết định tới Chicago của tôi. Mọi người đang giải quyết một số vấn đề cơ bản nhất trong toán học tại khoa Toán của Đại học Chicago”, Bảo Châu tâm sự.
Ngô Bảo Châu, sinh năm 1972, từng học khối phổ thông chuyên toán của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mùa hè 1988, anh tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế tại Australia và giành huy chương vàng. Mùa hè năm sau anh tiếp tục giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế tại Đức. Cũng trong năm 1989 Châu sang Pháp để học tại Đại học Paris 6. Anh bảo vệ luận án tiến sĩ khi mới 25 tuổi tại Đại học Sư phạm Paris - ngôi trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp. Năm 2003, ở tuổi 31, anh hoàn thành luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) tại Đại học Paris 11. Đầu năm sau anh trở thành giáo sư của đại học này.
Vào năm 2004 anh đã nhận giải thưởng nghiên cứu hàng năm của Viện Toán học Clay, Mỹ dành cho những người đạt thành tựu xuất sắc nhất trong năm nhờ giải quyết một trường hợp đặc biệt của “chương trình Langlands”. Mỗi năm chỉ có một hoặc hai người được trao giải và Châu là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này.
Sau khi nhận giải thưởng Clay, anh được Viện nghiên cứu khoa học cao cấp tại Princeton của Mỹ mời sang làm việc. Viện này là nơi quy tụ nhiều nhà toán học và nhà vật lý hàng đầu thế giới, trong đó nhiều người từng đoạt giải Nobel và giải Fields. Châu còn nhận được giải thưởng của Viện Nghiên cứu Toán học Oberwolfach dành cho các nhà toán học trẻ châu Âu vào năm 2007 và giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp vào năm 2008.