Ngỡ ngàng ảnh động vật đẹp nhất năm 2018
Trang National Geographic mới đây chọn những bức ảnh đẹp nhất chụp các động vật trong tự nhiên lẫn trong đời sống thường ngày của con người, ngụ ý muôn loài đều có thể sống hòa hợp cùng nhau.
Bức ảnh ghi lại cảnh đàn cá mập sọc trắng (Carcharhinus amblyrhynchos) kiếm ăn vào ban đêm ở khu vực đảo san hô Fakarava, quần đảo Tuamotu nằm ở Thái Bình Dương (thuộc Pháp). Nhóm nhiếp ảnh của Laurent Ballesta đã lặn mà không có lồng bảo hộ hay bất kỳ vũ khí phòng thân nào. Nhóm ước tính đã có 700 con cá mập bơi trước mặt mình đang tranh nhau những phần thức ăn trong đêm. (Ảnh: Laurent Ballesta).
Steeple Jason - một trong những hòn đảo xa nhất trong quần đảo Falkland (thuộc Anh) - là nơi tập trung đông nhất loài hải âu mày đen (Thalassarche melanophris): 70% hải âu mày đen trên toàn cầu làm tổ và sinh sản nơi đây. Trước đây Steeple Jason từng được dùng để chăn nuôi cừu và bò nhưng giờ đây không còn vì chính phủ muốn tập trung bảo vệ đàn hải âu và biến nơi đây thành một khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia. (Ảnh: Paul Nicklen).
Bên cạnh nhà bảo vệ môi trường này là một con diệc xám đang cần được chữa trị trong khi trên tay ông là vài con chim đã chết. Chúng bị nhiễm độc từ thuốc trừ sâu của nông dân ở vùng trồng lúa gạo Bunyala ở Kenya. Nhà bảo vệ môi trường này cho biết người dân địa phương thường nhặt và ăn những con chim này dù chúng có độc. (Ảnh: Charlie Hamilton James).
Loài chim cánh cụt Eudyptes chrysocome - thường sống ở vùng biển cận nhiệt đới của Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - đang lần lượt nhảy qua một vựa sâu trên một vách đá cao trên đảo Marion (thuộc Nam Phi). Trên hòn đảo này, chim cánh cụt Eudyptes chrysocome là một biểu tượng lâu đời và không thể thay thế. (Ảnh: Thomas Peschak).
Sau một ngày theo đuổi, con báo 4 tuổi tên Charqueado đã nhận được cái gật đầu đồng ý của con báo cái. Nhiếp ảnh gia Ingo Arndt - người đã chụp lại bức ảnh này - cho biết thay vì chọn một nơi vắng vẻ và an toàn hơn để "hành sự", chúng lại vui vẻ cùng nhau trên một mỏm đá cao hàng trăm mét ở gần khu vực vườn quốc gia Torres del Paine, Chile. (Ảnh: Ingo Arndt).
Một con chim ưng mẹ đang trông chừng đàn con ở vùng đồng bằng Mông Cổ. Từ xưa, một số bộ tộc bản chủ động sử dụng chim ưng như một vũ khí săn mồi, dẫu vậy ngày nay số lượng chim ưng ngày càng giảm do môi trường sống thu hẹp và nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép. (Ảnh: Brent Stirton).
4 con hải âu lang thang (Diomedea exulans) đang cùng nhau trình diễn một "show" ca nhạc đặc biệt vào những buổi chiều trên đảo Marion (thuộc Nam Phi). "Show" diễn kết hợp cả tiếng kêu lẫn điệu bộ chúng nhằm thu hút bạn tình, nhất là với những con đến tuổi sinh sản. (Ảnh: Thomas Peschak).
Một con bướm hiếm vừa mới nở ra từ ấu trùng được đặt trong một homestay ở Tây Papua, Indonesia. Con bướm này ngay sau đó bị giết vì những người chơi bướm muốn lấy đôi cánh của nó. Hiện nay, buôn bán bướm hợp pháp và bất hợp pháp đều đang gia tăng nhanh chóng cả về số lượng người mua, người bán, lẫn những người môi giới. (Ảnh: Evegenia Arbugaeva).
Vào một đêm không trăng, nhóm nhiếp ảnh của Laurent Ballesta đã bơi ngược con sóng, dùng đèn chiếu sáng để ghi lại khoảnh khắc đàn cá mập đang đi săn cùng nhau ở đảo Fakarava, thuộc Pháp. (Ảnh: Laurent Ballesta).
Arnie là một con sáo thuộc dòng châu Âu hiện đang sống cùng 2 người chủ Lloyd và Rose Buck ở Somerset, New Jersey, Mỹ. Con sáo biết nói bập bẹ tiếng Anh. Đặc biệt, sở thích của nó là nghe Lloyd đánh đàn piano những bài nhạc cổ điển, bao gồm những tác phẩm của Mozart, Beethoven, Schubert và Bach. Dường như có một sự kết nối lạ kỳ giữa loài sáo và nhạc cổ điển. Trước đây người ta cũng cho rằng Mozart từng sở hữu một con sáo vẫn hay hót những bản nhạc của ông. (Ảnh: Charlie Hamilton James).
Một con dơi hút máu (Chrotopterus auritus) bay tìm con mồi. Các loài gặm nhấm và những động vật nhỏ ở bán đảo Yucatan, Mexico thường rất sợ ban đêm bởi mối nguy hiểm rình rập từ trên không trung từ loài dơi này. (Ảnh: Anad Varma).
Một nhóm cánh cụt hoàng đế đang đi trên bãi cát trắng thuộc đảo Đông Falkland (thuộc Anh). Trước những năm 1860, hầu như rất ít cánh cụt hoàng đế xuất hiện tại hòn đảo này, tuy nhiên khi các nhà khoa học khảo sát vào năm 1970, số lượng loài này trên đảo đã tăng đáng kể. Ngày nay, hàng ngàn cặp cánh cụt hoàng đế thường chọn hòn đảo này là nơi sinh sản hằng năm. Nơi đây cũng được chính quyền biến thành khu dự trữ sinh quyển trong hơn 50 năm qua. (Ảnh: Paul Nicklen).