Ngôi làng hẻo lánh bỗng náo nhiệt vì tấm bản đồ kho báu phát xít Đức
Tấm bản đồ do lính Đức Quốc xã phác thảo đã khơi mào cho cuộc săn lùng kho báu thời hiện đại tại một ngôi làng nhỏ ở Hà Lan. Tuy nhiên, kho báu đó đến nay vẫn còn là một ẩn số.
Sau nhiều tháng chờ đợi sự chấp thuận từ giới chức địa phương Hà Lan và điều kiện thời tiết thuận lợi, thời điểm ấy đã đến. Sáng ngày 1/5, một nhóm chuyên gia bắt tay khai quật kho báu bị Đức Quốc xã chôn giấu tại thị trấn Ommeren.
Một nhóm chuyên gia và nhà khảo cổ học tại làng Ommeren ở Hà Lan hôm 1/5. (Ảnh: New York Times).
Bà Joke Honders, nhà sử học địa phương và sống ở đây nhiều năm, là người chỉ đạo hoạt động phức tạp này với sự tham gia của máy dò kim loại, máy xúc và nhóm nhà khảo cổ học. Bà không thể không ngạc nhiên trước những gì đang diễn ra trước mắt mình.
"Thật là thú vị”, bà nói. Bà Honders đã điều phối cuộc săn tìm kho báu ngoài đời thực trong một bãi cỏ bên cạnh vườn táo ở Ommeren, một ngôi làng buồn tẻ với khoảng 750 cư dân cách Amsterdam 65 km về phía đông nam.
Không thu được kết quả
Mặc dù đã đào ba hố riêng biệt trong khu vực mà bà Honders khoanh vùng bằng cách kết hợp bản đồ cổ, bản đồ hiện đại và bản đồ vẽ tay của một binh sĩ Đức Quốc xã, đội tìm kiếm không thu được kết quả.
Buổi sáng đó cũng đã chấm dứt hoạt động truy tìm kho báu kéo dài hàng tháng trước đó. Trong thời gian ấy, hàng chục người đã mang theo xẻng và máy dò kim loại đến ngôi làng nhỏ bé này của Hà Lan với hy vọng khai quật được 4 hộp đạn chứa đầy trang sức, vàng và đồng hồ bị đánh cắp.
"Cơn sốt vàng" thời hiện đại đã bắt đầu vào tháng 1, khi hàng nghìn tài liệu được giải mật từ Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hà Lan khiến nhiều người biết đến bản đồ do lính Đức Quốc xã vẽ vào năm 1945. Bản đồ được cho là đánh dấu vị trí của một kho báu thực sự.
Bản đồ vẽ tay với chữ X màu đỏ đó đã khơi mào cho một cuộc săn lùng kho báu thời hiện đại ở một ngôi làng nhỏ bé ở Hà Lan, AP đưa tin. Kho báu trên chứa nhiều vật phẩm bị lính Đức Quốc xã cướp được sau vụ nổ kho tiền ở một ngân hàng năm 1944.
Vài tuần trước khi chiến tranh kết thúc, 5 binh sĩ Đức Quốc xã đã chôn cất kho báu đó. Helmut Sonder, một tên lính khác, nằm quan sát đồng đội do đang bị thương.
Tấm bản đồ do một binh sĩ Đức Quốc xã vẽ đã thúc đẩy cuộc truy tìm kho báu ở Hà Lan. (Ảnh: New York Times).
Theo các tài liệu, Sonder đã dựa vào trí nhớ để vẽ lại bản đồ, có lẽ là định quay lại lấy chiến lợi phẩm. Chính tấm bản đồ ấy đã kích hoạt cuộc săn lùng vàng và đồ trang sức, đồng thời nâng cao danh tiếng của Ommeren.
Bản đồ chỉ dẫn rằng kho báu được chôn sâu khoảng 0,5-0,7 m, bên cạnh ba cây dương. Tuy nhiên, những cái cây đã biến mất từ lâu, nên địa điểm chính xác vẫn còn là một ẩn số.
Cuộc tìm kiếm do bà Honders dẫn đầu là nỗ lực duy nhất được chính quyền cho phép nhằm tìm kiếm những gì bị chôn giấu. Thành phố Buren, bao gồm Ommeren, đã từ chối một số yêu cầu tương tự, Pieter Neven - một quan chức thành phố - cho biết.
Ông lý giải nguyên nhân đề xuất của bà Honders được chấp thuận vì họ muốn cuộc tìm kiếm được triển khai chuyên nghiệp. Theo ông Neven, chính quyền thành phố đã tài trợ cho cuộc tìm kiếm của bà Honders khoảng 2.200 USD để giúp chi trả cho các nhà khảo cổ học và những người vận hành máy dò kim loại chuyên nghiệp.
"Mò kim đáy bể"
Vào sáng 1/5, bà Honders và nhiều người khác trong đội ngũ truy tìm đã không đặt kỳ vọng quá cao. "Việc này giống như mò kim đáy bể", Jan van Renswoude, một nhà khảo cổ học đã tham gia truy tìm kho báu, cho biết.
Khi triển vọng thành công đang giảm dần, bà Honders khẳng định: “Tôi vẫn còn hy vọng”.
Nhưng việc không có kho báu không có gì đáng ngạc nhiên. “Tôi không mong đợi bất cứ điều gì”, Arie Krijgsman, người đã sống ở Ommeren được 15 năm, cho biết.
Ông chia sẻ cảm thấy thú vị về cuộc tìm kiếm này. “Nó hơi giống một cơn sốt vàng”, ông nói thêm.
Một chuyên gia đang dò tìm kim loại tại hiện trường. (Ảnh: New York Times).
Không có kho báu nào được phát lộ, nhưng các nhà khảo cổ học đã khai quật được một viên đạn 9 mm chưa sử dụng từ thời Thế chiến II, một số kim loại phế liệu và dây sắt.
Klaas Tammes, cựu Thị trưởng Ommeren, nhận định kho báu vẫn còn là một ẩn số. Trước đó, ngôi làng này từng chứng kiến nhiều hoạt động khảo cổ. Vào năm 2016, ba nhà tìm kiếm đã tìm thấy một kho gồm 31 đồng xu La Mã bằng vàng.
Tuy nhiên, các chuyên gia đồng tình rằng cơ hội tìm thấy kho báu của Đức Quốc xã là rất nhỏ, và nó cũng có thể đã được đào lên từ nhiều thập kỷ trước.
Sau khoảng bốn giờ tìm kiếm và đào bới, các nhà khảo cổ học đã tắt máy xúc, kết thúc nỗ lực này. Theo ông Neven, đây sẽ là lần cuối cùng thành phố chấp thuận yêu cầu tìm kiếm kho báu của Đức Quốc xã, dù không rõ liệu những thợ săn kho báu nghiệp dư có nản lòng hay không.
NBC hồi tháng 1 đưa tin rằng mặc dù cơ hội tìm thấy những vật phẩm có giá trị là rất nhỏ, điều đó không thể ngăn cản những người đào vàng nghiệp dư. “Tôi thấy những nhóm người có máy dò kim loại ở khắp mọi nơi”, ông Jan Henzen, 57 tuổi, nói với Reuters.
Dẫu chỉ thu được một vài vật phẩm không mấy giá trị, bà Honders có vẻ yên tâm với kết quả này.
"Tôi đã có thể một lần nữa ngủ yên vào tối nay", bà Honders chia sẻ.

Chuyện li kỳ về 10 bảo vật vô giá của Trung Quốc
Rác trong mắt bạn lại là một kho báu quý giá trong mắt người khác.Tại Trung Quốc, đã từng có vô số cổ vật, thậm chí là bảo vật Quốc gia lưu lạc trong dân gian, bị coi là rác, là phế vật.

Nguồn gốc thực sự của Bức tường thành Jerusalem
Lịch sử của một trong những địa điểm linh thiêng nhất thế giới đối với cả người Do Thái và người Hồi Giáo có lẽ sẽ phải được viết lại sau một khám phá bất ngờ của các nhà khảo cổ Israel.

Sự thật gây sốc: Tổ tiên quái thú của chúng ta đáng sợ hơn khủng long bạo chúa
Phân tích mới về quái thú Whatcheeria với nhiều phần hài cốt từng xuất hiện trên đất Mỹ đã khiến các nhà cổ sinh vật học phải gọi nó là kẻ săn mồi siêu phàm.

Cuộc giải cứu "bằng chứng văn minh nhân loại" nặng nửa tấn của các nhà khoa học tại cực Nam Lục địa đen
Bằng chứng về nền văn minh nhân loại với tuổi đời hàng vạn năm đã được "giải cứu" mới đây ở một bờ biển Nam Phi.

Kỹ thuật mới giúp giải phóng "hoàng tử băng" 1.300 năm tuổi
Các chuyên gia sử dụng một kỹ thuật mới để rã đông hài cốt 1.300 năm của đứa trẻ được mệnh danh là "hoàng tử băng" sau khi đông lạnh bộ xương bằng nitơ để bảo tồn.

Tìm thấy chai rượu vang 1.700 năm trong mộ cổ, chuyên gia nói có thể vẫn uống được
Các nhà khảo cổ học nhận định, chất lỏng ở bên trong chai rượu vang 1.700 năm tuổi có thể vẫn uống được nhờ được bảo quản đặc biệt.
