Ngư dân Campuchia bắt được cá nước ngọt lớn nhất thế giới trên sông MeKong
Ngư dân Moul Thun, 42 tuổi, bắt được con cá đuối gai độc khổng lồ dài gần 4 m, nặng khoảng 300 kg vào tối 13-6 gần hòn đảo xa trên sông Mekong ở vùng Stung Treng, theo tuyên bố của Wonders of the Mekong (dự án nghiên cứ hợp tác Campuchia - Mỹ) ngày 20-6.
Nhóm nghiên cứu cho biết kỷ lục cá nước ngọt lớn nhất thế giới trước đó là một con cá da trơn khổng lồ sông Mekong nặng 293 kg, được phát hiện tại Thái Lan năm 2005.
Sau khi bắt được con cá đuối lớn chưa từng thấy, ông Moul Thun đã báo cho nhóm các nhà khoa học của Wonders of the Mekong - những người đã công bố rộng rãi công việc bảo tồn tự nhiên của mình trong các cộng đồng dọc bờ sông.
Ngư dân Campuchia bắt được con cá nước ngọt lớn nhất thế giới trên sông Mekong. (Ảnh: AP)
Con cá đuối được ngư dân đưa đến vùng nước nông hơn để các chuyên gia kiểm tra và gắn thẻ. (Ảnh: Nokorwat News Daily)
Con cá đuối được xác định là giống cái, nặng 300kg. (Ảnh: AP)
Các nhà khoa học nhanh chóng có mặt sau cuộc gọi lúc nửa đêm và họ không khỏi ngạc nhiên, thích thú. Ông Zeb Hogan, người đứng đầu Wonders of the Mekong, nói với hãng tin AP trong cuộc phỏng vấn trực tuyến từ Trường ĐH Nevada (Mỹ): "Khi nhìn thấy con cá có kích thước như thế, đặc biệt là ở nước ngọt, thật khó có thể tin nổi. Mọi người trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi đều rất sửng sốt".
Chính quyền địa phương cùng các chuyên gia đã phối hợp với ngư dân địa phương tiến hành cân đo, gắn thẻ và thả con cá đuối khổng lồ này quay trở lại sông Mekong. Con cá đuối được xác định là giống cái, nặng 300 kg. Chiều dài từ phần đầu mõm đến đầu đuôi là 3,98 m. Chiều dài từ đầu vây bên này sang đầu vây bên kia là 2,2 m.
Cư dân địa phương đặt biệt danh cho cá đuối gai độc là "Boramy" hay "trăng tròn" vì hình dạng của nó và vì khi con vật được thả vào ngày 14-6, Mặt Trăng đang ở trên đường chân trời.
Cá đuối nước ngọt khổng lồ là một trong những loài cá hiếm, kích thước lớn nhất tại Đông Nam Á. (Ảnh: AP)
Theo chuyên gia Hogan, việc bắt được con cá đuối khổng lồ không chỉ thiết lập một kỷ lục mới. Ông Hogan nhấn mạnh: "Việc cá vẫn có thể đạt được khối lượng lớn như thế này là một dấu hiệu đầy hy vọng cho sông Mekong". Ông cũng lưu ý tuyến đường thủy này phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường.
Sông Mekong chảy qua các nước bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Con sông là ngôi nhà của một số loài cá nước ngọt khổng lồ nhưng áp lực môi trường đang gia tăng. Nhiều nhà khoa học lo ngại kế hoạch xây dựng đập thủy điện lớn trong những năm gần đây có thể phá vỡ nghiêm trọng bãi đẻ trứng của các sinh vật.
Ông Hogan cho biết: "Cá lớn trên toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Chúng là những loài có giá trị cao và mất nhiều thời gian để sinh trưởng. Do đó nếu bị đánh bắt trước khi trưởng thành, chúng sẽ không có cơ hội sinh sản".
Theo các nhà nghiên cứu, đây là con cá đuối khổng lồ thứ tư được ghi nhận ở cùng khu vực trong hai tháng qua, tất cả đều là con cái. Họ cho rằng đây có thể là điểm nóng sinh sản của loài này. Báo Khmer Times đưa tin vào đầu tháng 5, ngư dân tỉnh Stung Treng cũng bắt được con cá đuối nước ngọt khổng lồ nặng 180 kg. Cá đuối nước ngọt khổng lồ là một trong những loài cá hiếm, kích thước lớn nhất tại Đông Nam Á. |

Kỳ giông Mexico: đứt chân thì mọc chân, “vỡ tim” vẫn cứu được nhưng lại sắp tuyệt chủng
Kỳ giông Mexico là sinh vật rất độc đáo, với khả năng tái tạo như người hành tinh Namek trong bộ truyện "7 viên ngọc rồng".

Những hình ảnh chân thực nhất về "quái vật sông Amazon"
Không có đôi nanh nhọn hoắt cũng như nọc độc chết người, nhưng trăn Anaconda vẫn là một cái tên khiến tất cả phải rùng mình sợ hãi khi nghĩ đến.

Động vật rừng Việt Nam (1)
Việt Nam được coi là một trong những nước thuộc vùng Đông Nam Á giàu về đa dạng sinh học. Ở Việt Nam, do sự khác biệt lớn về khí hậu từ vùng gần Xích đạo tới giáp vùng cận nhiệt đới, cùng với sự đa dạng về địa hình đã tạo nên sự đa dạng về thiên nhiê

44 sự thật đầy thú vị về loài khỉ mà bạn chưa biết
Khỉ được xem như một trong những “họ hàng” gần nhất của loài người, và hầu hết chúng ta đều tin rằng mình biết rõ về người “họ hàng” này. Tuy nhiên, những thông tin sau đây có thể làm bạn bất ngờ về loài động vật thông minh, hoạt bát này.

10 loài săn mồi nguy hiểm nhất
Kĩ năng săn mồi, những bộ hàm, móng vuốt sắc nhọn và nọc độc chết người “trời phú” đã biến các động vật này thành những kẻ săn mồi đẳng cấp.

Rắn độc bị mất đầu vẫn tự cắn chính mình
Thông thường, một con rắn bị chặt đầu thì các chức năng trên cơ thể nó cơ bản đã ngừng hoạt động nhưng nó vẫn còn một số phản xạ. Điều đó có nghĩa rằng rắn vẫn có khả năng cắn và tiêm nọc độc ngay khi đầu nó đứt lìa khỏi thân.
