Người dân "thong thả" ngồi câu cá bên bờ sông Tô Lịch
Sau hơn 10 ngày khởi công dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây (Hà Nội) bằng công nghệ Nano của Nhật Bản nhiều người dân đã ngồi bên bờ sông câu cá.
Sau hơn 10 ngày triển khai dự án sử dụng công nghệ Nano để làm giảm mùi và khử ô nhiễm, theo ghi nhận của PV, quãng sông Tô Lịch thí điểm của dự án đã có sự giảm thiểu rõ rệt về mùi hôi.
Trước đó, theo các chuyên gia Nhật Bản, việc áp dụng công nghệ này sẽ giúp giảm mùi hôi thối "chỉ sau 3 ngày", đồng thời giúp phân huỷ các chất thải và bùn dưới sông sau khoảng 2 tháng.
Đây là dự án thí điểm do đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản.
Các thiết bị đặt dưới lòng sông được đánh số thứ tự, xung quanh sủi bọt khí.
Bốn chiếc máy sục khí Nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor được đặt xuống đầu nguồn sông Tô Lịch tại khu vực đầu đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy).
Sông Tô Lịch đã phần nào được làm sạch.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày đêm, sông Tô Lịch tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Dự án này được kỳ vọng sẽ "giải cứu" dòng sông này khỏi ôn nhiễm trầm trọng.
Chiều 28/5, trao đổi với PV, anh Nam, sinh sống gần sông Tô Lịch cho biết: Hiện tại mùi hôi thối tại sông đã giảm thiểu rõ rệt, buổi chiều anh và nhiều người có thể thoải mái đi dạo dọc 2 bên bờ sông.
Cũng trong chiều 28/5, một số người dân thong thả quăng lưới câu cá ngay tại sông Tô Lịch.
Anh Lợi – người dân câu cá tại sông cho biết: Nhìn màu sắc nước sông thì khó phân biệt, nhưng cảm nhận sông bớt hôi thối hơn hẳn và mấy ngày nay bắt đầu có nhiều cá loại cá trê nên anh và nhiều người tranh thủ mang cần ra sông câu.
“Chiến lợi phẩm” anh Lợi thu được sau vài giờ thả câu.