Người Mỹ thận trọng hơn với điện hạt nhân sau Fukushima
Người Mỹ thận trọng hơn với điện hạt nhân sau thảm họa lò phản ứng hạt nhân tan chảy tại nhà máy điện Fukushima, Nhật Bản, theo một cuộc khảo sát vừa được công bố.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Yale (Mỹ) đã tiến hành khảo sát tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ việc phát triển điện hạt nhân, sau thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản tháng 3/2011, làm nổ lò phản ứng hạt nhân trong nhà máy điện Fukushima.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima chụp từ vệ tinh 3 ngày sau khi xảy ra thảm họa sóng thần
Kết quả của cuộc khảo sát mới nhất cho thấy người dân Mỹ đã trở nên thận trọng hơn với điện hạt nhân, so với những cuộc khảo sát được tiến hành trong năm 2005 và 2010 – thời điểm trước khi xảy ra thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản.
“Thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã tác động đến nhận thức của người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng”, tiến sĩ Anthony Leiserowitz, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết trên LiveScience.
Cụ thể, tỷ lệ người dân Mỹ nói không với điện hạt nhân là 29% sau thảm họa nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cao hơn so với tỷ 21% trong cuộc khảo sát được tiến hành năm 2005. Tỷ lệ người dân Mỹ được hỏi cho rằng điện hạt nhân rất nguy hiểm đã tăng từ 13% năm 2005 lên 24% trong năm 2011.
Chỉ khoảng 12% người dân Mỹ ủng hộ phát triển năng lượng hạt nhân, giảm so với 16% trong cuộc khảo sát được tiến hành năm 2005. Tỷ lệ người Mỹ tin rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra cũng giảm xuống 3% trong năm 2011 so với 15% trong năm 2005.
Sau thảm họa hạt nhân Fukushima, có 47% người dân Mỹ ủng hộ việc xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân mới và chỉ có 33% cho biết họ cảm thấy an toàn khi sống ở khu vực có nhà máy điện hạt nhân.