Người Viking đi biển trong ngày mây như thế nào?
Người Viking định hướng trên biển bằng những chiếc đồng hồ mặt trời. Nhưng trong những ngày u ám, đồng hồ mặt trời cũng vô ích. Nhiều nhà nghiên cứu tự hỏi họ đã vượt qua điều đó bằng cách nào? Một giả thuyết cho rằng họ đã trông lên bầu trời bằng những tinh thể đá (được gọi là đá mặt trời) để tìm ra hướng đi cho mình.
Không ai kiểm nghiệm giả thuyết này cho đến gần đây. Một nhóm nghiên cứu đã ra khơi trên biển Bắc cực trên chiếc tàu phá băng của Thuỵ Điển Oden, và phát hiện thấy đá mặt trời quả thực có thể chiếu sáng đường đi trong điều kiện mây hay sương mù.
Các tinh thể như cordierite, calcite hay turmaline hoạt động giống như bộ lọc phân cực, phát sáng và toả màu khi phát hiện ra góc mặt trời. Dựa vào những thay đổi này, người Viking có thể xác định chính xác điểm tới của ánh sáng bị phân cực hoá, và chỉ ra hướng đi của mặt trời, Gabor Horvath, từ Đại học Eotvos ở Budapest cho biết.
Loạt ảnh trên cùng cho thấy bầu trời Bắc cực ngày sương mù (a), có nắng (b) và có mây (c). Loạt ảnh d-f cho thấy các mức độ phân cực hoá ánh sáng. Loạt ảnh g-i chỉ ra góc phân cực hoá. (Ảnh: LiveScience) |
Trong những công trình trước kia, Horvath và cộng sự chứng tỏ rằng người Viking có thể đã dùng đến vài loại thiết bị, chứ không chỉ bằng mắt thường, để đánh giá chính xác hướng mặt trời trong những ngày mây mù.
Thiếu bằng chứng
Tuy nhiên, không giống như đồng hồ mặt trời, các nhà khảo cổ chưa tìm thấy bất cứ tàn tích nào của những viên đá mặt trời. Giả thuyết về loại đá này được đưa ra lần đầu tiên năm 1966 bởi một nhà khảo cổ học Đan Mạch. Gợi ý duy nhất cho thấy người Viking từng sử dụng loại đá đó bắt nguồn từ một truyền thuyết của dân tộc này, được biết đến với tên gọi saga.
Cùng với người Viking, chim và bướm cũng được cho là đã sử dụng ánh sáng phân cực để định hướng, bên cạnh những dấu vết khác như từ trường trái đất.
Hình ảnh thuyền Viking. (Ảnh: LiveScience)
T. An