Nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng vì đại dương ấm hơn
Mật độ vi khuẩn gây bệnh tả và ngộ độc thực phẩm trong nước biển tăng đáng kể do nhiệt độ trong các đại dương tăng.
17 viện nghiên cứu hải dương tại châu Âu vừa công bố một báo cáo về hiện tượng ấm lên của các đại dương và những hậu quả của tình trạng đó. Báo cáo được tổng hợp từ hơn 100 dự án nghiên cứu do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Theo nội dung báo cáo, sự tăng lên của nhiệt độ trong các đại dương khiến Vibrio – chủng vi khuẩn có khả năng gây ngộ độc thực phẩm, viêm ruột, nhiễm trùng máu, dịch tả - sinh sôi mạnh mẽ, AP đưa tin.
“Tổn thất về sức khỏe do ăn thực phẩm nhiễm khuẩn, uống nước chứa tác nhân gây bệnh có thể lên tới hàng triệu euro. Những điều kiện khí hậu đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc truyền bệnh dịch”, báo cáo khẳng định.
Các nhà khoa học cũng mô tả hàng loạt hậu quả mà tình trạng ấm lên của đại dương gây nên – như băng tan, mực nước biển dâng, xói mòn bờ biển, sự tăng lên về số lượng và sức mạnh của các cơn bão, hiện tượng axit hóa và giảm khí oxy trong nước biển. Tốc độ thay đổi của các đại dương cũng khiến các nhà khoa học lo ngại.
“Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là mọi thay đổi trong các đại dương đang diễn ra nhanh hơn so với suy nghĩ của chúng ta”, Carlo Heip, giám đốc Viện Nghiên cứu biển của Hà Lan, phát biểu.
Heip nói rằng chỉ trong vài thập kỷ, số lượng cá ở Biển Bắc đã thay đổi đáng kể, với việc nhiều loài cá lớn di chuyển về phía Bắc Cực trong khi các loài cá nhỏ không thay đổi môi trường sống.
Giới khoa học bắt đầu chú ý tới sự gia tăng mật độ chủng vi khuẩn Vibrio từ thập niên 60.
“Khi nhiệt độ ở Biển Bắc bắt đầu tăng vào cuối thập niên 80, mật độ vi khuẩn Vibrio cũng bắt đầu tăng. Vào năm 2006, số lượng người nhiễm bệnh viêm ruột ở vùng Baltic tăng lên cao hơn mức bình thường”, Heip cho biết.
Katja Philippart, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu biển Hà Lan, nói rằng một số thay đổi trong đại dương có thể làm cho hiện tượng ấm lên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn. Chẳng hạn, tính axit của đại dương tăng khiến khả năng hấp thụ khí CO2 của tảo giảm.
“Khi khả năng hấp thụ khí CO2 của tảo giảm, lượng CO2 trong khí quyển sẽ tăng, dẫn đến sự tăng lên của nhiệt độ toàn cầu”, Philippart giải thích.