Nguy cơ thiên thạch và rác thải vũ trụ đe dọa Trái Đất
Các nhà khoa học và nhiều quan chức Nga ngày 12/3 cảnh báo thiên thạch và rác thải vũ trụ có thể gây ra mối đe dọa lớn cho Trái Đất và loài người trong tương lai.
Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn với chủ đề "Bảo vệ Trái Đất trước những nguy cơ xuất phát từ vũ trụ", diễn ra tại trụ sở Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, Giám đốc Học viện nghiên cứu thiên văn thuộc Viện hàn lâm khoa học, Giáo sư - Viện sĩ Boris Shustov, cho rằng hiện có tới 200.000 đến 300.000 vật thể trên vũ trụ, chủ yếu là các thiên thạch, có khả năng gây nguy hiểm cho Trái Đất. Một thiên thạch với đường kính 40 mét khi va vào Trái Đất có thể phát ra nguồn năng lượng ngang với một quả bom nhiệt hạch.
Thiên thạch và rác thải vũ trụ có thể gây ra mối đe dọa lớn
cho Trái Đất và loài người trong tương lai. (Ảnh: Internet)
Ông Shustov cho biết thiên thạch rơi xuống tỉnh Chelyabink của Nga ngày 15/2 vừa qua có đường kính gần 17 mét và không thuộc diện nguy hiểm, mặc dù nó đã làm hư hại hơn 7.000 ngôi nhà và làm hơn 1.600 người bị thương nhẹ. Theo ông, để giảm thiểu nguy cơ xuất phát từ vũ trụ cần phải phát triển hệ thống kính thiên văn góc rộng cỡ lớn chuyên theo dõi chuyển động của các thiên thạch và rác thải vũ trụ. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới chỉ có một kinh thiên văn cỡ lớn như vậy do Mỹ chế tạo.
Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga (Roskosmos), ông Vladimir Popovkin, đánh giá trong 20 năm tới, loài người có thể mất quỹ đạo địa tĩnh quanh Trái Đất nếu không giải quyết thành công vấn đề liên quan đến rác thải vũ trụ. Ông Popovkin thông báo các vụ va chạm giữa vệ tinh và các thiết bị vũ trụ với rác thải vũ trụ đang ngày càng tăng, từ một trường hợp trong 5 năm lên một trường hợp trong 1,5 đến 2 năm. Ông cảnh báo rác thải vũ trụ bao quanh Trái Đất sẽ ngày một tăng, ngay cả khi các nước trên thế giới không phóng thêm vệ tinh lên quỹ đạo.
Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Nga, ông Vladimir Pushkov, cho biết bộ của ông đã thành lập nhóm công tác chuyên nghiên cứu phương pháp ngăn ngừa nguy cơ thiên thạch và rác thải vũ trụ. Ông Pushkov nêu rõ rút kinh nghiệm khắc phục hậu quả vụ rơi thiên thạch xuống tỉnh Chelyabin, nhóm này đã đề xuất những điều chỉnh cho Hệ thống thống nhất của Nga về cảnh báo và khắc phục tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải vạch ra sách lược ứng phó với tình trạng khẩn cấp, đồng thời bảo vệ dân chúng trước nguy cơ thiên thạch và rác thải vũ trụ va hoặc rơi xuống Trái Đất.
Chủ tịch Tập đoàn tên lửa - vũ trụ Nga Energhia, ông Vitaly Lopota, đề nghị các cường quốc trên thế giới phối hợp thành lập trên Mặt Trăng một hệ thống cực mạnh chuyên theo dõi chuyển động của các thiên thạch và rác thải vũ trụ.