Nguyên nhân khiến Trái đất đột ngột lạnh đi 13.000 năm trước
Núi lửa phun trào tạo nên đám mây tro bụi bao phủ Trái đất, cản ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống và khiến nhiệt độ giảm mạnh.
Trầm tích cổ xưa trong hang Hall, bang Texas, chỉ ra rằng núi lửa phun trào rất có thể là nguyên nhân khiến Trái đất đột ngột giảm 3 độ C cách đây khoảng 13.000 năm, Science Daily hôm 31/7 đưa tin. Sự kiện Trái đất lạnh đi này có tên Younger Dryas. Michael Waters, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thổ dân châu Mỹ kiêm giáo sư Đại học Texas A&M, cùng các đồng nghiệp từ Đại học Baylor và Đại học Houston xuất bản nghiên cứu mới trên tạp chí Science Advances.
Núi lửa phun trào đẩy Bắc bán cầu trở lại kỷ băng hà. (Ảnh: Earth).
Trước đó, một số nhà khoa học cho rằng Younger Dryas do một vụ va chạm với thiên thể khác gây ra. Sự kiện này cũng góp phần dẫn đến sự tuyệt chủng của một số động vật có vú lớn từng sống ở Bắc Mỹ như voi ma mút, ngựa và lạc đà.
Hang Hall lưu giữ những trầm tích có niên đại hơn 20.000 năm. Waters cho biết, ông bắt đầu nghiên cứu chiếc hang từ năm 2017. "Liệu có xảy ra một vụ va chạm ngoài hành tinh gần cuối kỷ băng hà mới nhất, nghĩa là khoảng 13.000 năm trước, khi những dải băng bao phủ Canada đang tan chảy, khiến nhiệt độ đột ngột giảm và đẩy Bắc bán cầu vào kỷ băng hà thêm 1.200 năm nữa không?", ông đặt câu hỏi.
"Nghiên cứu mới chỉ ra, đặc điểm địa hóa gắn với sự kiện Younger Dryas không phải độc nhất vô nhị mà xảy ra tới 4 lần trong giai đoạn 9.000-15.000 năm trước. Do đó, nguyên nhân dẫn đến sự kiện này không đến từ ngoài vũ trụ", Alan Brandon, giáo sư khoa học Trái đất tại Đại học Houston, giải thích.
Brandon cùng Nan Sun, nhà khoa học tại Đại học Houston, tiến hành phân tích đồng vị mẫu trầm tích thu thập từ hang Hall. Họ nhận thấy tỷ lệ những nguyên tố như iridium, ruthenium, platinum, palladium và rhenium không hợp lý, nghĩa là thiên thạch không phải nguyên nhân gây ra Younger Dryas. "Phân tích đồng vị và tỷ lệ tương đối của các nguyên tố phù hợp với những gì chúng tôi tìm thấy trong khí núi lửa", Sun cho biết.
Sau khi núi lửa phun trào, các aerosol (sol khí) lan ra khắp nơi, phản lại bức xạ Mặt Trời chiếu xuống Trái đất. Điều này có thể dẫn đến sự lạnh đi toàn cầu sau vụ phun trào từ 1-5 năm, tùy thuộc vào quy mô và độ dài của thảm họa. Các vụ phun trào núi lửa khiến nhiệt độ giảm nhiều nhất ở gần nguồn phát sinh, thường trong cùng năm xảy ra sự kiện. Những năm sau đó, hiện tượng lạnh đi trở nên yếu hơn nhiều.
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, sự kiện Younger Dryas kéo dài khoảng 1.200 năm. Do đó, núi lửa phun trào là một nguyên nhân quan trọng, nhưng những biến đổi khác của Trái đất như đại dương lạnh đi và nhiều tuyết phủ hơn cũng góp phần duy trì thời kỳ lạnh giá này.
- Vì sao sân bay Denver luôn bị đồn chứa nhiều bí ẩn?
- Bí ẩn nữ hoàng Maya khiến các nhà khảo cổ lạc lối
- Hoàng đế nhà Thanh tiêu tốn "núi vàng" cho ngự thiện, 120 món chỉ nấu bằng nguồn nước quý giá này