Nhà khoa học Việt tạo giống lúa màu năng suất bằng lúa thường
TS Đào Minh Sô cùng các cộng sự lai tạo thành công ba giống lúa màu đỏ, tím, đen, trong đó giống đỏ (SR20) năng suất cao nhất 8 tấn mỗi hecta, tương đương lúa thường.
TS Sô hiện là Trưởng bộ môn chọn tạo giống cây trồng, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam). Ông cùng với nhóm nghiên cứu dành gần 10 năm chọn lọc thành công ba giống lúa màu đỏ (SR20), tím (SR21), đen (SR22) đạt các tiêu chí về độ thuần, năng suất, khả năng chống chịu bệnh, thành phần dinh dưỡng... Hiện giống SR20 và SR21 được đăng ký bảo hộ giống, lưu hành trong nước.
TS Đào Minh Sô (phải) tại khu trồng lúa thử nghiệm rộng 1 ha ở huyện Củ Chi, TP HCM. (Ảnh: Hà An).
Theo TS Sô lúa màu biểu hiện ở vỏ cám của hạt, chứa dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như chất khoáng, vitamin, chất chống oxy hóa... Lúa màu được chế biến thành các dạng gạo lứt dùng cho người ăn kiêng, người mắc các bệnh mạn tính. Tuy nhiên, nhược điểm lúa năng suất thấp do đặc tính hàm lượng diệp lục ít, làm giảm khả năng quang hợp. Ngoài ra, khi nấu thành cơm ăn không ngon vì không có độ dẻo như gạo trắng thông thường. Nhóm đã tập trung khắc phục được những nhược điểm này. Theo ông Sô, giá mỗi kg từ 50.000 - 100.000 đồng, phục vụ thị trường người ăn kiêng nên rất tiềm năng.
Thử nghiệm cả trăm phép lai, kéo dài nhiều năm trong khoảng 8 - 10 thế hệ, nhóm chọn ra ba giống lúa màu đạt các tiêu chí về năng suất, hàm lượng chất dinh dưỡng, khả năng chống bệnh. Theo TS Sô, công đoạn chọn lọc giống ứng với các tiêu chí đề ra được coi quan trọng nhất, quyết định thành công cho việc tạo giống mới. "Một giống được cho là thuần khi đạt các chỉ tiêu đồng đều về thời gian sinh trưởng, chiều cao, thời gian trổ bông... Các chỉ tiêu về độ dẻo, mềm, thơm... chủ yếu ảnh hưởng bởi kiểu gene trên giống", TS Sô nói và cho rằng đây là quá trình tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí nhất trong chọn tạo giống.
Giống lúa đen SR22 được trồng thực nghiệm tại Củ Chi. (Ảnh: Hà An).
Với giống SR20, thời gian thu hoạch trong 90 - 95 ngày, sản lượng 5 - 8 tấn mỗi ha, tương đương với lúa thường. Về độ dẻo, SR20 có hàm lượng amylose (chất có trong tinh bột) 17 - 18% thuộc nhóm mềm. Giống này có chỉ số đường huyết thấp, phù hợp người ăn kiêng, người giảm béo.
Giống SR21 có năng suất thấp hơn SR20 với khoảng 4 - 6 tấn mỗi ha, thời gian thu hoạch 100 - 105 ngày. Theo nhóm nghiên cứu, điểm mạnh của SR21 là có mùi thơm, chỉ số chuyển hóa đường thấp, hạt có độ dài 8 mm phù hợp thị hiếu tiêu thụ gạo hiện nay.
Còn giống SR22 năng suất khoảng 4 - 6 tấn, thời gian thu hoạch 95 ngày. Điểm mạnh của giống SR22 có hàm lượng anthocyanin cao nhất trong ba giống. Chất này có tác dụng hỗ trợ giúp cơ thể chống lại các tế bào oxy hóa, giúp phòng chống ung thư. "Anthocyanin là chất chỉ có trong các loại gạo màu", TS Sô nói.
Ba loại lúa màu của nhóm chọn tạo phù hợp với nhiều vùng trồng, có khả năng chống chịu các loại bệnh phổ biến như đạo ôn, bạc lá, rầy nâu...Theo TS Sô, với gạo trắng khi lúa đạt độ chín 85% là thu hoạch. Riêng lúa màu, nông dân cần đợi trên 95% mới thu. Vì ở giai đoạn này lúa màu mới hoàn toàn tích lũy đầy đủ màu sắc, chất dinh dưỡng.
Ba giống gạo màu do nhóm nghiên cứu lai tạo thành công. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu).
Theo nhóm nghiên cứu, giống lúa hiện nay có thể trồng mở rộng, phục vụ sản xuất thương mại. Tuy nhiên lãnh đạo một doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản tại TP HCM, cho rằng các loại gạo màu chỉ phù hợp cho người ăn kiêng, người đang điều trị bệnh... Do đó, thị phần cho gạo màu tại Việt Nam chưa nhiều, tập trung vào nhóm nhỏ, nên tiêu thụ không cao ở thời điểm hiện tại. "Mặc dù cải thiện được năng suất, nhưng yếu tố quan trọng nhất của lúa màu phải đạt có độ mềm dẻo, ngon khi ăn mới phù hợp khẩu vị của người dân", ông nói.