Nhà khoa học Việt tìm cách trồng diêm mạch trong vùng hạn mặn
Lần đầu tiên nhóm nghiên cứu Việt Nam đánh giá kiểu gene cây diêm mạch trong các môi trường sinh thái hạn và mặn để trồng thử nghiệm thành công.
Cây diêm mạch có dinh dưỡng cao, đa dạng từ protein, đường, chất xơ, có thể canh tác trong điều kiện nhiệt độ từ -5 đến 37 độ C, được trồng ở những vùng có lượng mưa trung bình 200 mm. Loài cây này được đánh giá có khả năng chịu mặn tốt nhất trong các loại cây trồng và thực vật có hoa. Tuy nhiên, diêm mạch thường được trồng nhiều ở các nước Nam Mỹ và gần đây là Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, giá nhập khẩu về Việt Nam lên tới 4.500 USD/tấn.
Để phát triển loài cây này ở Việt Nam, năm 2017 trong Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương đa phương về khoa học công nghệ đến năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, đã giao Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, đánh giá đặc tính nông sinh học và tiềm năng kinh tế của cây diêm mạch đem lại cho các vùng sinh thái hạn, mặn tại Việt Nam. Từ đó, tuyển chọn và nhân được giống diêm mạch cho năng suất, chất lượng phù hợp với một số vùng sinh thái trong nước.
Nhóm nghiên cứu đánh giá khả năng chịu hạn, mặn của cây diêm mạch. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu).
PGS. TS Nguyễn Việt Long, Trưởng nhóm nghiên cứu xuất sắc Khoa học cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, nhóm đã hợp tác với Đại học Buenos Aires (Argentina) tìm hiểu cơ chế chịu mặn của cây diêm mạch, tìm ra giống diêm mạch thích ứng với điều kiện khí hậu tại một số vùng sinh thái Việt Nam.
Đã có 52 giống diêm mạch từ nhiều vùng địa lý trên thế giới được lựa chọn và phân tích để xác định những phản ứng khác nhau của mỗi giống trong các mức độ mặn khác nhau. Kết quả cho thấy độ mặn ảnh hưởng trực tiếp tới đặc điểm hình thái về chiều cao thân chính, tổng số lá, cành, khối lượng rễ và hàm lượng diệp lục trong lá.
Sử dụng kỹ thuật chỉ thị phân tử, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn và đánh giá kiểu gene diêm mạch để thử nghiệm với từng mức độ mặn khác nhau trong điều kiện gây mặn nhân tạo (100-300 mM NaCl) và tại vùng đất nhiễm mặn Nam Định, Hải Phòng và Sóc Trăng. Kết quả cho thấy một số giống diêm mạch có khả năng chịu mặn tốt. Trong đó giống diêm mạch Atlas (VNUA1) sinh trưởng tốt và cho năng suất trên 2 tấn/ha tại Sơn La, Tây Nguyên và Sóc Trăng, hàm lượng protein đạt 16-17%. Ngoài ra, trong điều kiện gieo trồng bình thường tại các tỉnh đồng bằng Sông Hồng hay Tây Nguyên cây diêm mạch cho năng suất đạt tới 3 tấn/ha.
Những giống diêm mạch phù hợp được nhóm nghiên cứu hợp tác với các nhà sản xuất và doanh nghiệp để xây dựng mô hình canh tác thử nghiệm tại Sơn La, Tây Nguyên, Sóc Trăng với tổng diện tích trong hai năm 2019-2020 khoảng 10 ha. "Các mô hình đều cho năng suất trên 2 tấn/ha, hàm lượng protein 16-17%", TS Long nói.
Cây diêm mạch trồng thử nghiệm tại Sơn La. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu).
Là cây trồng mới nên các nghiên cứu về diêm mạch ở Việt Nam còn ít, trước đó chủ yếu tập trung về đặc điểm hình thái. "Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về tương tác giữa kiểu gene diêm mạch với các môi trường sinh thái khác nhau chú trọng vào điều kiện hạn và mặn. Dựa vào các nghiên cứu đã công bố, sử dụng các chỉ thị phân tử để xác định sự có mặt của gene chịu mặn trên cây diêm mạch", TS Long nói.
Kết quả nhiệm vụ đã xây dựng quy trình sản xuất và hợp tác với doanh nghiệp nhằm chuyển giao và phát triển sản xuất bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm khai thác hiệu quả vùng đất bị ảnh hưởng bởi hạn hán và nhiễm mặn nặng nề như Sơn La, Tây Nguyên, Sóc Trăng. Phát triển thành công cây diêm mạch sẽ giúp đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng và ứng phó với biến đổi khí hậu cho người dân Việt nam và thế giới.
TS Long cho biết, hiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục triển khai các nghiên cứu về chế biến bột diêm mạch giá trị dinh dưỡng cao và đồ uống (sữa diêm mạch). "Chúng tôi đã thương thảo với các doanh nghiệp tại Tây Nguyên và Sóc Trăng về hợp tác sản xuất thương phẩm các giống diêm mạch được tuyển chọn", TS Long nói.