Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới có thể mở lại
Cơ quan Quản lý Hạt nhân Nhật Bản hôm 27/12 dỡ bỏ lệnh cấm với nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa của Tập đoàn Điện lực Tokyo.
Các lò phản ứng số 6 và số 7 của nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa vào tháng 4/2021. (Ảnh: Kyodo).
Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa, cách thủ đô Tokyo 250km về phía bắc, tiến gần hơn đến việc hoạt động trở lại sau khi Cơ quan Quản lý Hạt nhân (NRA) của Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm đặt ra hai năm trước. Đây là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới với 7 lò phản ứng và tổng công suất 8.212 MW. Đơn vị vận hành nhà máy, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), tiếp tục nỗ lực để đưa nhà máy hoạt động trở lại, nhưng vẫn chưa chắc chắn thời điểm vì họ cũng cần được chính quyền địa phương chấp thuận.
Nằm trên khu đất rộng 4,2km2 ở tỉnh Niigata, nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa là cơ sở lò phản ứng nước sôi tiên tiến (ABWR) đầu tiên trên thế giới, thành lập vào năm 1985. Suốt quá trình hoạt động, nhà máy Kashiwazaki-Kariwa vài lần phải đóng cửa một phần hoặc toàn bộ do các vấn đề kỹ thuật và động đất trong vùng. Tuy nhiên, sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011, nhà máy Kashiwazaki-Kariwa phải ngừng hoạt động suốt một thời gian dài.
Năm 2017, các lò phản ứng số 6 và số 7 của nhà máy Kashiwazaki-Kariwa vượt qua quá trình sàng lọc an toàn cần thiết của NRA để khởi động lại. Tuy nhiên, vào năm 2018 và cả sau đó, hàng loạt sai sót trong các biện pháp chống xâm nhập được phát hiện, bao gồm trục trặc trong thiết bị phát hiện kẻ xâm nhập và sự cố một nhân viên TEPCO vào phòng điều khiển trung tâm bằng thẻ nhận dạng của một nhân viên khác.
NRA ban hành lệnh cấm vào tháng 4/2021, cấm vận chuyển nhiên liệu hạt nhân trong nhà máy. Sau hơn 2 năm, NRA dỡ bỏ lệnh cấm và khẳng định sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ xem liệu các biện pháp cải thiện của TEPCO có bị sao nhãng hay không.
Khi thế giới hướng đến giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, một số chuyên gia năng lượng dự đoán sự trở lại của điện hạt nhân sẽ giúp giải quyết vấn đề nguồn cung không liên tục của các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió. Nhật Bản, quốc gia đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, cũng cần giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu và có thể tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có để tăng nguồn cung năng lượng.