Nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga sẵn sàng chinh phục Bắc Cực
Nhà máy điện hạt nhân (NPP) nổi đầu tiên trên thế giới do Nga xây dựng có tên gọi.
Dự kiến công trình này làm nhiệm vụ cung cấp điện cho các khu vực hẻo lánh của Nga tại Bắc Cực.
Theo Tập đoàn Năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom, cuối tháng 8 năm nay, nhà máy nổi này sẽ được lai dắt tới thành phố cảng Pevek nằm ở khu vực Chukotka bờ biển Bắc Cực. Đến tháng 12, nhà máy điện hạt nhân sẽ bắt đầu cung cấp năng lượng cho Pevek.
Nhà máy điện hạt nhân (NPP) nổi đầu tiên trên thế giới do Nga xây dựng có tên gọi "Akademik Lomonosov". (Ảnh: AFP).
Chukotka là một trong những vùng hẻo lánh nhất ở Nga, với phần lớn lãnh thổ nằm ngoài vành đai Bắc Cực, nơi liên kết giao thông kém và địa hình băng tuyết vĩnh cửu gây khó khăn cho việc xây dựng các công trình lớn.
Nhà máy điện hạt nhân nổi dự kiến trở thành một trong những cơ sở hạ tầng then chốt trong sự phát triển tuyến đường hàng hải phương Bắc của Nga.
Nhà máy Akademia Lomonosov được cho là mang theo hai lò phản ứng KLT-40S, có khả năng sản sinh tới 70 Megawatt điện và 50 gigacalories một giờ năng lượng nhiệt. Các lò phản ứng là phiên bản nâng cấp từ lò phản ứng KLT-40M được sử dụng trong các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Taymyr. Một lò phản ứng có thể sản xuất đủ điện và nhiệt đáp ứng nhu cầu cho một thành phố với dân số 100.000 người.
Tuổi thọ hoạt động trung bình của nhà máy điện hạt nhân nổi là 40 năm và có thể kéo dài đến 50 năm.
Sau khi hết thời hạn hoạt động, thiết bị có thể được mang đi để thay thế và bảo trì lò phản ứng mà không để lại bất kỳ vật liệu nguy hiểm nào cho Bắc Cực.
Akademia Lomonosov trở thành sản phẩm đầu tiên trong dự án chế tạo nhà máy điện hạt nhân nổi cung cấp nhiệt và điện cho các khu vực hẻo lánh của Nga. Nga cũng có kế hoạch cho các quốc gia khác thuê thiết bị nếu có nhu cầu sản xuất điện hoặc khử mặn nước, vì nhà máy nổi này có khả năng khử muối với công suất sản sinh 240.000 mét khối/ngày.