Nhà nghiên cứu ghi được hình mực khổng lồ dài 13m
Các chuyên gia phải sử dụng một loại đèn đặt biệt và mồi nhử mô phỏng con mồi để tiếp cận loài mực ẩn nấp dưới biển sâu.
Một con mực được ghi hình bằng camera trang bị đèn đỏ. (Ảnh: Edith Widder).
Ghi hình mực khổng lồ (Architeuthis dux) không phải nhiệm vụ dễ dàng với các nhà quay phim dưới nước. Tiến sĩ Edith Widder của Hiệp hội Bảo tồn và Nghiên cứu Đại dương Mỹ, thu thập một số thước phim về A. dux. Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science Direct, Widder và cộng sự tiết lộ bí quyết ghi hình thành công loài vật này.
Với chiều dài khoảng 13 m, mực khổng lồ là một trong những động vật không xương sống lớn nhất trên Trái đất. Nhưng kích thước khổng lồ không giúp chúng trở nên dễ phát hiện hơn bởi chúng sống ở độ sâu hơn 400m. Đôi mắt to bằng chiếc đĩa thuộc hàng lớn nhất trong số mọi sinh vật sống cho phép chúng quan sát dưới làn nước tối đen. Điều này có nghĩa mực khổng lồ có thể trông thấy các phương tiện và tàu ngầm điều khiển từ xa từ khoảng cách hơn một kilomet.
Để khắc phục trở ngại trên, Widder và cộng sự phát triển một thiết kế sử dụng đèn đỏ mờ thay vì đèn trắng sáng thường dùng để thám hiểm dưới nước. Đôi mắt đồ sộ của mực khổng lồ không thể trông thấy loại ánh sáng này, giúp tăng cơ hội quan sát gần cho các chuyên gia quay phim. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn sử dụng thêm mồi nhử mô phỏng con mồi phát quang mà A. dux thường đi săn. Trong môi trường dưới nước, công nghệ trên rất hiệu quả trong việc quay phim những loài mực sống ở biển sâu, bao gồm Promachoteuthis sloani và Pholidoteuthis adami.
"Một trong những mối đe dọa lớn nhất mà A. dux và nhiều động vật thân mềm sống dưới biển sâu phải đối mặt là ô nhiễm âm thanh. Âm thanh tần số thấp nhưng tiếng động phát ra trong khảo sát địa chấn, có thể gây tổn thương đáng kể với động vật thân mềm. Khi các phương pháp ghi hình động vật thân mềm lớn trở nên ngày càng tiên tiến, hiệu quả ghi hình ngày càng cao, cho phép chúng tôi trả lời những câu hỏi mới về chúng", Widder chia sẻ.