Nhật Bản: Phóng xạ trong cá vẫn ở mức cao
Kết quả rút ra từ một nghiên cứu mới đây cho thấy rất nhiều loài cá ở Nhật Bản vẫn chứa hàm lượng phóng xạ Cesium (Cs) ở mức cao, cho dù đã hơn 1,5 năm kể từ ngày xảy ra trận động đất và sóng thần lịch sử phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daichi vào tháng 3/2011.
Mặc dù hầu hết các mẫu cá đã đạt được ngưỡng Cs an toàn, nhưng một số loài vẫn bị liệt vào danh sách rất đáng lo ngại. Mức Cs cao nhất chủ yếu là ở những quần thể sống gần đáy biển và gần khu vực Fukushima.
Căn cứ vào báo cáo hàng năm trên hơn 8.500 mẫu sò, ốc, cá và rong biển khu vực ven biển Fukushima, Ken Buesseler, một nhà hải dương học của Viện Hải dương Woods Hole (Mỹ) ngay lập tức nhận thấy mức phóng xạ trong cá không hề suy giảm suốt năm qua mà lẽ ra, nếu không còn tiếp xúc với phóng xạ, nồng độ Cs trong cơ thể sinh vật phải giảm đi vài phần trăm. Như vậy, chúng chắc chắn vẫn đang phải đối mặt với lượng Cs rò rỉ từ một nguồn nào đó, Buesseler nhận định.
Phóng xạ vẫn tồn tại trong các loài hải sản ở Nhật Bản vài thập kỷ tiếp theo.
Có thể Cs đã phát sinh từ đáy biển hoặc từ dòng nước ngầm bị ô nhiễm chảy vào đại dương, được tích lũy trong trầm tích đáy biển hoặc trong cơ thể các loài giun và động vật không xương sống khác sống dưới lớp trầm tích đó. Buesseler suy đoán rằng ngay cả khi phóng xạ ngừng rò rỉ hoàn toàn thì nó sẽ vẫn tồn tại ở đó trong vài thập kỷ nữa. “Điều này có nghĩa là ngành đánh bắt cá ven biển ở Nhật Bản vẫn sẽ gặp khó khăn trong một thời gian dài sắp tới”, Ken Buesseler nói.
Bên cạnh đó, sau thảm họa sóng thần, người ta đã dùng nước biển để làm nguội lò phản ứng hạt nhân, lượng nước này chảy ra biển cũng được xem là một phần nguyên nhân.
Mặc dù vậy, nếu bạn có ăn phải các loài hải sản khu vực Fukushima thì cũng đừng lo sợ bởi hàm lượng phóng xạ (gồm polonium-210 và postassium-40) trong cá ở đây tính ra vẫn thấp hơn hàm lượng của tự nhiên. Polonium-210 và postassium-40 rất phổ biến trong các loài động vật biển, bởi vì 99% lượng bức xạ trong đại dương là tự nhiên, 1% còn lại là do các thử nghiệm vũ khí hạt nhân những năm 1960.
“Về phần mình, tôi đã ăn tất cả các món hải sản trong chuyến đi đến Nhật Bản vào tháng 7 vừa qua”, Buesseler chia sẻ.
Tham khảo: Discovery