Nhật Bản trải qua mùa xuân ấm nhất lịch sử
Nhật Bản năm nay trải qua mùa xuân ấm nhất từng ghi nhận trong bối cảnh khí nhà kính và El Nino khiến nhiệt độ trên thế giới tăng cao.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) hôm 1/6 cho biết, nhiệt độ trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5 của nước này cao hơn 1,59 độ C so với mức trung bình. Điều này khiến mùa xuân năm nay trở thành mùa xuân nóng nhất kể từ khi JMA bắt đầu thực hiện các phép đo đạc vào năm 1898.
Đường chân trời của Tokyo nhìn qua lớp không khí bụi bặm từ đài quan sát I-link Town ngày 13/4. (Ảnh: AFP).
"Ấm lên toàn cầu khiến những mức nhiệt kỷ lục như vậy xuất hiện thường xuyên hơn và chúng dự kiến còn trở nên phổ biến hơn trong tương lai, khi sự ấm lên toàn cầu tiếp diễn", JMA cho biết. Cũng theo cơ quan này, nhiệt độ bề mặt trung bình của những vùng biển xung quanh Nhật Bản trong các tháng 3, 4, 5 ở mức cao thứ ba kể từ năm 1982.
Tháng trước, Liên Hợp Quốc cho biết, gần như chắc chắn giai đoạn 2023 - 2027 sẽ là thời kỳ 5 năm nóng nhất từng ghi nhận. Điều này phần nào do khả năng cao hiện tượng thời tiết El Nino sẽ phát triển trong những tháng tới, khiến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm.
El Nino là mô hình khí hậu diễn ra tự nhiên, thường gắn liền với sự tăng nhiệt trên toàn thế giới, gây hạn hán ở một số nơi và mưa lớn ở những nơi khác. Hiện tượng này xảy ra gần đây nhất vào năm 2018 - 2019.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2022 cao hơn 1,15 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1850 - 1900. Phần lớn Nam Á và Đông Nam Á đã hứng chịu những đợt sóng nhiệt mùa xuân khi sự ấm lên toàn cầu khiến thời tiết khắc nghiệt hơn. Hôm 29/5, Thượng Hải ghi nhận ngày tháng 5 nóng nhất trong hơn 100 năm, vượt kỷ lục trước đó tròn 1 độ C.
Các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu đang làm tăng nguy cơ mưa lớn ở Nhật Bản và một số nơi khác vì khí quyển ấm hơn chứa nhiều nước hơn. Mưa lớn năm 2021 từng gây thảm họa lở đất ở thành phố Atami, khiến 27 người thiệt mạng. Năm 2018, lũ lụt và lở đất trong mùa mưa giết chết hơn 200 người ở miền tây Nhật Bản.
Nhật Bản giữ vị trí chủ tịch luân phiên của G7 năm 2023. G7 năm nay cam kết đẩy nhanh việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch làm nóng Trái Đất. Tuy nhiên, nhóm các nền kinh tế hàng đầu này đã không thể thống nhất bất cứ thời hạn mới nào về việc chấm dứt các nguồn năng lượng gây ô nhiễm như than đá.

Hành vi lạ của bầy chim ngay trước động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, chúng cảm nhận được thảm họa?
Rất nhiều chim chóc có hành vi lạ ngay trước động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Có phải những chú chim ở đó đã biết rằng động đất sắp xảy ra?

Tại sao bầu trời có màu xanh?
Mỗi màu sắc tương ứng với 1 bước sóng, tần số và mang năng lượng khác nhau. Ánh sáng tím có bước sóng ngắn nhất trong dải quang phổ khả kiến.

Những tờ báo in biến thành thảm hoa ở Nhật
Từ lâu Nhật Bản đã luôn nổi tiếng với các phát minh độc đáo và đột phá nhằm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, từ một tờ báo mà có thể mọc lên 1 cây xanh thì chắc hẳn rất ít người nghĩ tới.

Nhân loại sắp gặp thảm họa nhiệt "trở tay không kịp"
Nghiên cứu mới cho thấy nắng nóng cực đoan sẽ tấn công thế giới theo cách khó ngờ, với "danh sách đen" chứa cả tên những quốc gia mà người dân tưởng chừng chỉ e sợ cái lạnh.

Hòn đảo "kỳ diệu" giúp bạn tăng chiều cao
Đảo Martinique nằm trong quần đảo núi lửa Lesser Antilles, ở phía Đông vùng biển Caribbean. Với diện tích 1.128km2, dân số trên đảo khoảng gần 400.000 người.

Phân biệt sự khác nhau giữa khí hậu và thời tiết
Khi nói về các hiện tượng mưa, nắng, gió,… người ta có lúc dùng từ thời tiết, nhưng có lúc dùng từ khí hậu. Vậy khí hậu và thời tiết có giống nhau không?
