Nhện dùng ròng rọc tơ kéo con mồi to gấp 50 lần

Các nhà nghiên cứu phát hiện cách thức nhện chế tạo ròng rọc từ tơ để kéo con mồi to quá khổ như thằn lằn hoặc động vật có vú nhỏ từ nền đất bên dưới.

Trước đây, giới nghiên cứu không biết chính xác cách nhện bắt con mồi to lớn. Đây là lần đầu tiên họ phân tích kỹ thuật xây dựng và cấu tạo tơ nhện để bẫy và nâng động vật nặng. Trên thực tế, nhện thường chủ động điều chỉnh kết cấu tơ sau khi bắt mồi, gắn những sợi bị kéo căng từ trước vào ròng rọc để tối đa hóa lực nâng và nhấc con mồi nặng hơn nhiều so với bản thân chúng. Họ công bố kết quả nghiên cứu hôm 3/2 trên tạp chí Royal Society Interface.


Nhện Steatoda triangulosa kéo thằn lằn Podarcis muralis bằng kỹ thuật nâng. (Ảnh: Emanuele Olivetti).

Tơ nhện là vật liệu phân tán năng lượng cực tốt. Khi một côn trùng mắc vào mạng, năng lượng từ cử động giãy giụa của nó sẽ bị hấp thụ và tiêu tan thông qua mạng lưới sợi nối với nhau. Tơ nhện cũng đàn hồi cho phép lưu trữ và phóng đại năng lượng, giống như dây cung. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học băn khoăn nhện giăng mạng tận dụng đặc tính đàn hồi ở tơ để nâng vật nặng như thế nào.

Có hơn 2.200 loài nhện giăng mạng được mô tả trong họ Theridiidae. Chúng sống trên khắp thế giới và nổi tiếng với những chiếc mạng dày có hình dáng bất đối xứng. Trong nghiên cứu, các chuyên gia làm việc với hai loài nhện giăng mạng là Steatoda paykulliana và Steatoda triangulosa. Họ để chúng kéo những con gián đốm cam (Blaptica dubia) còn sống. Con nhện nặng 0,22 g và con gián nặng nhất to gần gấp đôi (0,56 g).

Nhóm nghiên cứu quan sát lũ nhện khi chúng giăng mạng, đặt các sợi đặc biệt có chất dính để bắt mồi đồng thời báo hiệu khi có vật mắc vào. Nếu nạn nhân kém may mắn là một côn trùng nhỏ, một sợi tơ là đủ để nhấc nó lên, theo trưởng nhóm Gabriele Greco, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Đại học Trento tại Italy. Nhưng nếu con mồi quá lớn, chiếc bẫy sẽ thay đổi.

Không còn là kẻ quan sát bị động, con nhện bắt đầu tạo ra những sợi tơ siêu căng, có thể mắc một đầu vào mạng và đầu còn lại gắn vào con mồi. Khi thả lỏng, sợi tơ giải phóng năng lượng lưu trữ để kéo dần con mồi lên. Con nhện lặp đi lặp lại cho tới khi kéo con mồi tới độ cao mong muốn. Ở cuối thí nghiệm, con nhện có thể nâng gián lên độ cao 8 cm so với mặt đất. Tốc độ nâng nhanh nhất của chúng là khoảng 0,01 cm mỗi giây. Thông qua cơ chế này, Greco và cộng sự ước tính nhện giăng mạng có thể kéo con mồi nặng hơn chúng tới 50 lần.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất