Những bằng chứng khiến bạn "choáng váng" về chuyện nhiễm phóng xạ
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tia phóng xạ có thể tồn tại hàng trăm năm, hay thậm chí có thể "zombie hóa" cả một khu rừng.
Những bằng chứng đáng sợ về việc nhiễm phóng xạ
Chúng ta đều nhận biết được ảnh hưởng chết người của các thảm họa phóng xạ trong lịch sử. Tuy nhiên ngoài việc là kẻ giết người nhanh chóng và đau đớn, phóng xạ còn sở hữu những bí mật bất ngờ.
Biểu tượng cảnh báo phóng xạ được sử dụng trên thế giới.
Các loại tia phóng xạ khi tác động đến cơ thể vượt mức an toàn sẽ gây biến đổi các tế bào, dễ dàng gây ra ung thư, giảm bạch cầu hạt, thiểu sản các cơ quan trọng cơ thể và có thể dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, ngoài ảnh hưởng của phóng xạ lên cơ thể người, một vài bằng chứng về sức sống mạnh mẽ và những tác động đặc biệt khác của nó cũng thu hút sự chú ý cho giới khoa học. Hãy cùng đến với bài viết dưới đây để tìm hiểu khả năng đặc biệt của tia phóng xạ là như thế nào.
1. Phóng xạ vẫn còn tồn tại trên sổ tay của Marie Curie sau 100 năm
Marie Sklodowska-Curie là nhà vật lý - hóa học nổi tiếng người Ba Lan. Bà là một trong những nhà khoa học đi đầu trong lĩnh vực phóng xạ. Nhờ vào những nghiên cứu và phát hiện của mình về Uranium, bà đã được trao 2 giải Nobel.
Marie Curie - người tìm ra polonium và radium.
Sau khi cống hiến phần lớn cuộc đời mình cho công cuộc nghiên cứu uranium, Marie Curie đã qua đời vào năm 1934 vì nhiễm phóng xạ mạnh.
Tuy nhiên, phần lớn đồ dùng cá nhân của bà cũng bị nhiễm phóng xạ ở mức cao. Thậm chí cuốn sổ tay của bà sau 100 năm vẫn có nồng độ phóng xạ lớn.
Cuốn sổ tay của Marie Curie vẫn còn nhiễm phóng xạ mạnh sau 1000 năm.
Hiện nay cuốn sổ được xác định nhiễm chất phóng xạ Radium 226 này của Marie Curie đang được bảo quản trong hộp chì ở thư viện quốc gia Pháp.
Tất cả những du khách mong muốn được tận mắt nhìn thấy báu vật của nền khoa học này sẽ phải kí giấy xác nhận tự chịu trách nhiệm hoàn toàn cho bất kì sự cố nào và buộc phải mặc quần áo bảo hộ để bảo vệ trước lượng phóng xạ còn lại trên cuốn sổ.
2. Cả một khu rừng bị “zombie" hóa
Thảm họa hạt nhân kinh hoàng Chernobyl năm 1986 đã để lại những hậu quả kinh hoàng, trong đó có cả việc "zombie hóa" cả một khu rừng lân cận.
Khu rừng "zombie" tại Ukraine.
Những loại cây trong khu rừng này đều mang màu đỏ sau khi hấp thụ một lượng lớn các tia bức xạ từ thảm họa Chernobyl.
Điều đặc biệt là tất cả số cây này trên thực tế đã chết ngay sau sự kiện lò hạt nhân phát nổ. Hầu hết cây trong rừng đều cháy rụi, tuy nhiên đối với những cây vẫn còn đứng vững, chúng đã trở thành một dạng “zombie”.
"Khu rừng chết" vẫn hiên ngang đứng vững qua thời gian.
Những cây này không có dấu hiệu nào của việc bị phân hủy cũng như bị tấn công bởi các loài vi sinh vật hay côn trùng. Chúng vẫn hiên ngang đứng vững qua hàng chục năm, mặc dù trên thực tế nơi đây đã là một "khu rừng chết".
Các chuyên gia lý giải, có thể lượng phóng xạ khổng lồ đã kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn và nấm, ngăn chặn sự phân hủy của gỗ, khiến khu rừng trở nên "bất tử" theo đúng nghĩa đen.
3. Phóng xạ có thể thúc đẩy sự sống
Con người đã được cảnh báo nhiều về sự nguy hiểm của phóng xạ nhưng lại không để tâm rằng ở góc độ nào đó, chúng ta phải "mang ơn" nó rất nhiều.
Chúng ta vẫn luôn mặc định mọi nhà máy hạt nhân trên Trái đất đều là nhân tạo. Tuy nhiên các nhà địa chất học đã khám phá ra rằng, khoảng 2 tỉ năm trước, có ít nhất đến 6 “lò phản ứng hạt nhân” tự nhiên hoạt động nằm ở vùng Oklo, Gabon ở Tây Phi.
Các lò phản ứng này đã hoạt động vòng hàng trăm ngàn năm, trước khi suy yếu vì cạn nguồn uranium. Phát hiện này dấy lên trong các nhà khoa học nghi ngờ rằng chính các lò phản ứng tự nhiên này là tác nhân thúc đẩy sự tiến hóa của Trái đất.
Các "lò phản ứng tự nhiên" có thể là nguyên nhân thúc đẩy quá trình tiến hóa của sinh vật.
Sự tồn tại của những lò phản ứng ở Oklo tạo nền tảng để chúng ta tin rằng còn có nhiều lò phản ứng khác được chôn ở khắp nơi trên thế giới.
Chúng đã phóng ra các tia bức xạ trong quá trình hoạt động, gây ra các đột biến sinh học từ hàng tỉ năm trước đây. Các nhà khoa học tin rằng đây có thể chính là câu trả lời cho sự đa dạng sinh học mà Trái đất chúng ta đang sở hữu ngày nay.
Nếu thảm họa hạt nhân toàn cầu xảy ra, loài gián sẽ là sinh vật thống trị Trái đất
Gián được cho là sinh vật sống sót duy nhất tại khu vực nổ bom hạt nhân tại Hiroshima và Nagasaki năm 1945.
Để chứng thực điều này, các nhà khoa học đã thử nhiệm ba mức độ phóng xạ tăng dần từ 1.000 rads (đơn vị đo phóng xạ) đến 100.000 rads lên một nhóm gián và chuột lang ( quả bom ở Hiroshima có mức phóng xạ vào khoảng 10.000 rads). Kết quả là sau một tháng từ khi tiếp xúc với phóng xạ thuộc mức cao nhất, vẫn có đến 10% số gián sống sót.
Dù không phải hoàn toàn miễn nhiễm với phóng xạ nhưng điều này đã khẳng định sức sống mạnh mẽ của loài côn trùng được xếp vào loại “già nhất thế giới” này.
Các nhà khoa học lý giải, sở dĩ gián có khả năng này là nhờ vào cấu trúc cơ thể và chu kỳ phân chia tế bào rất chậm. Tế bào chính là nơi các tia phóng xạ tấn công trực tiếp, vậy nên ảnh hưởng của tia phóng xạ lên gián là ít hơn rất nhiều so với các sinh vật khác.