Những điều cần biết về bão mặt trời
Bão mặt trời là những sự kiện mãnh liệt xảy ra trên mặt trời khi các điện tử, nguyên tử, và các ion phóng vào không gian. Chúng có thể kết hợp với sự phun trào hàng loạt của mặt trời (hiện tượng CME) hoặc bão từ, di chuyển xuyên qua không gian.
>>> Bão mặt trời tàn phá mạnh hơn trong nhiều thập kỷ tới
Sự nổ tung bức xạ này có thể hướng về Trái đất, mất một vài ngày để đến được hành tinh của chúng ta, có thể gây trở ngại đáng kể cho cơ sở hạ tầng viễn thông của chúng ta, phụ thuộc vào độ lớn của nó.
Những chùm lửa mạnh có thể làm hỏng các vệ tinh, các hệ thống điện, và gây nhiễu hệ thống radar khiến giao thông đường không gặp sự cố.
Điều này là lý do tại sao các nhà khoa học NASA luôn theo dõi chặt chẽ mặt trời nhờ sử dụng cả phi đội tàu vũ trụ.
Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA) và các cơ quan khác có thể giảm thiểu thiệt hại bằng cách quan sát thời tiết không gian để dự đoán các cơn bão, ví dụ bằng cách đặt các vệ tinh ở “chế độ an toàn”.
Cứ khoảng 11 năm là một chu kỳ mặt trời, trong thời gian đó mức độ hoạt động từ trường của mặt trời dao động lên xuống. Mỗi chu kỳ đạt đến điểm cực đại khi bão mặt trời trở nên thường xuyên và mạnh mẽ hơn, gia tăng khả năng xuất hiện chùm lửa lớn có thể ảnh hưởng đến Trái đất.
Trong thời gian này, mặt trời có thể xuất hiện các vết đen, là những khu vực có hoạt động từ tính dữ dội và thường liên quan với các chùm lửa.
Bão mặt trời được phân loại theo cấp độ của chúng: B, C, M, và X. Cấp sau mạnh hơn cấp liền trước 10 lần. Mỗi cấp lại được chia thành mức từ 1-9.
Những chùm lửa loại X có khả năng gây mất điện trên toàn thế giới và các vấn đề truyền tải toàn cầu, và có thể đạt cường độ trên cấp 9, ví dụ như chùm lửa loại X lớn trong năm 2003 ước tính là X-45.
Bão mặt trời không chỉ có ở mặt trời, chúng còn xảy ra ở những ngôi sao khác và được gọi là bão sao.