Những hình ảnh có một không hai trong vũ trụ từ kính thiên văn James Webb
Dưới đây là những hình ảnh ngoạn mục có một không hai về các vật thể và hiện tượng trong vũ trụ được Kính thiên văn James Webb ghi lại.
Một cặp vườn ươm sao nằm cách Trái đất 1.600 năm ánh sáng gồm Tinh vân Lạp Hộ (Orion) và Cụm sao Trapezium là "ngôi nhà" của những ngôi sao rất trẻ và sáng. 4 trong số những ngôi sao đó có thể quan sát bằng kính thiên văn thông thường. Đặc biệt, 1 trong 4 ngôi sao này có thể quan sát bằng mắt thường khi sáng hơn Mặt trời tới 20.000 lần. Ngoài 4 ngôi sao lớn trên, Tinh vân Lạp Hộ và Cụm Trapezium còn chứa thêm khoảng 700 ngôi sao trẻ với các giai đoạn hình thành khác nhau.
Hình ảnh ngôi sao Wolf-Rayet ở khoảng cách 15.000 năm ánh sáng được Kính thiên văn James Webb ghi lại. Loại sao khổng lồ hiếm hoi này, NASA ước tính chỉ có khoảng 220 ngôi sao như vậy trong Dải Ngân hà, vốn chứa ít nhất 100 tỷ ngôi sao. Wolf-Rayet đốt cháy năng lượng rất nhanh và rất nóng, có nhiệt độ gấp 20 - 40 lần nhiệt độ bề mặt Mặt trời, do đó, cái chết của nó đến rất nhanh và dữ dội. Một ngôi sao như Mặt trời cháy trong khoảng 10 tỷ năm nhưng còn một ngôi sao Wolf-Rayet chỉ cháy khoảng vài trăm nghìn năm.
Tinh vân Chiếc nhẫn cách Trái đất 2.000 năm được Kính thiên văn James Webb ghi lại với vẻ đẹp rực rỡ. Tinh vân này được nhà thiên văn học Pháp Antoine Darquier de Pellepoix phát hiện năm 1779.
Thiên hà lùn NGC 6822 chỉ có khoảng 10 triệu ngôi sao so với ít nhất 100 tỷ ngôi sao của Dải Ngân hà. Tuy nhiên, số lượng sao trong thiên hà này cũng thật đáng kinh ngạc trong bức ảnh của James Webb. Được phát hiện vào năm 1884 bởi nhà thiên văn học Mỹ E.E Barnard, NGC 6822 được biết tới có một chiếc đuôi bụi kéo dài 200 năm ánh sáng. Đây cũng là nơi chứa những ngôi sao đặc với độ sáng gấp Mặt trời của chúng ta 100.000 lần.
Các thiên hà xoắn thường được xác định bởi các "cánh tay" không đồng đều. Nhưng đó không phải thiên hà M51 nằm cách Trái đất 27 triệu năm ánh sáng, được xác định bởi độ căng của các "cánh tay" và độ nén của cấu trúc của nó. M51 không đơn độc trong vũ trụ. Gần đó là thiên hà NGC 5195. Hai thiên hà này va chạm với nhau và dường như NGC 5195 đã chiến thắng.
Nằm dưới vành đai của Orion là một trong những thiên thể nổi tiếng nhất trên bầu trời đêm: Tinh vân Lạp Hộ - vườn ươm sao là "nhà" của 700 ngôi sao trẻ. Hình ảnh này của Kính thiên văn James Webb không tập trung vào toàn bộ tinh vân mà chỉ tập trung vào một phần cấu trúc của nó.
Cụm sao IC 348 chỉ mới 5 triệu năm tuổi và cách Trái đất 1.000 năm ánh sáng. Bao gồm khoảng 700 ngôi sao, IC 348 trông giống như những tấm rèm mỏng được tạo nên bởi bụi phản chiếu ánh sáng của các ngôi sao.
Cụm Pandora còn được biết tới là Abell 2744, không chỉ là một thiên hà hay cụm thiên hà mà là một cụm gồm 4 cụm thiên hà. Nằm cách Trái đất 3,5 tỷ năm ánh sáng, Cụm Pandora trải dài 350 triệu năm. Lực hấp dẫn khổng lồ của nó đã cho phép các nhà thiên văn học tận dụng như một thấu kính hấp dẫn bẻ cong và phóng đại ánh sáng của các vật thể phía trước, khiến cho việc quan sát dễ dàng hơn.
Kính thiên văn James Webb đã được chế tạo để quan sát những vật thể già cỗi và xa xôi nhất trong vũ trụ, một vài vật thể trong số đó cách chúng ta tới 13,4 tỷ năm ánh sáng. Trong ảnh là sao Thổ và một vài trong số 146 vệ tinh của nó.
Tổ hợp đám mây Rho Ophiuchi là một vùng mây bụi đầy màu sắc. Đây là khu vực hình thành sao gần nhất với Hệ Mặt trời của chúng ta. Tổ hợp đám mây phân tử Rho Ophiuchi được mệnh danh là siêu phẩm mùa hè và cách chúng ta khoảng 460 năm ánh sáng trong chòm sao Ophiuchus (hay còn gọi là chòm Xà Phu).