Những lần chúng ta gọi, người ngoài hành tinh "chưa bắt máy"
Câu hỏi liệu sự sống thông minh có tồn tại ở nơi nào khác trong vũ trụ hay không đã khiến loài người tò mò trong suốt nhiều thế kỷ.
Khi trình độ khoa học công nghệ của loài người tiến bộ, nhiệm vụ tìm kiếm câu trả lời này lại càng trở nên cấp thiết hơn.
Mặc dù chúng ta vẫn chưa phát hiện ra bất kỳ bằng chứng chắc chắn nào về trí thông minh ngoài Trái đất, nhưng một số giả thuyết về mặt khoa học, triết học và công nghệ cho thấy khả năng này đáng được xem xét một cách nghiêm túc.
Nỗ lực đầu tiên khi nhân loại cố gắng "kết nối" với nền văn minh ngoài Trái đất đã bắt đầu từ những năm 1960 của thế kỷ trước.
Trong khuôn khổ dự án "Tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất" (SETI), các nhà nghiên cứu sử dụng kính viễn vọng vô tuyến để "rà quét" bầu trời.
Mục đích của họ là tìm kiếm những tín hiệu bất thường, có thể dẫn tới nguồn gốc của một nền văn minh nào đó.
Ngoài tín hiệu vô tuyến, các nhà khoa học cũng xem xét tới các chỉ số của công nghệ tiên tiến, điển hình như các siêu cấu trúc giả định bao quanh các hành tinh, ngôi sao (còn gọi là cấu trúc "quả cầu Dyson"), các chất ô nhiễm trong khí quyển, hoặc sự phát thải năng lượng bất thường...
Theo họ, việc phát hiện ra những dấu hiệu như vậy sẽ cung cấp bằng chứng thuyết phục về sự sống thông minh ngoài Trái đất.
Không chỉ vậy, các nhà nghiên cứu còn cố gắng "gửi tin nhắn" đến sự sống thông minh ngoài Trái đất. Họ làm vậy vì tin rằng, nếu như có tồn tại sự sống thông minh ở đâu đó bên ngoài vũ trụ, họ có lẽ sẽ đáp trả thiện chí của chúng ta.
1. Mã Morse
Trong số hàng trăm những phương thức giao tiếp, mã Morse là từ khóa đầu tiên được nhắc tới.
Mã Morse là giao thức cơ bản nhất được sử dụng trong viễn thông nhằm mã hóa văn bản ký tự, tạo ra trình tự chuẩn của hai khoảng thời gian tín hiệu khác nhau.
Mã Morse đầu tiên được gửi đi vào không gian gồm 3 từ: MIR (có nghĩa là cả "hòa bình" và "thế giới" trong tiếng Nga), LENIN và Liên Xô.
Mã này được Liên Xô dưới thời Lenin gửi tới hành tinh Sao Kim vào năm 1962. Tin nhắn được gửi thành hai phần.
Theo đó, thông điệp "MIR" được truyền đi vào ngày 19/11/1962 và thông điệp thứ hai bao gồm LENIN và Liên Xô được truyền đi vào ngày 24/11/1962.
Cả hai tín hiệu đều phản xạ khỏi bề mặt Sao Kim và quay trở lại Trái đất trong khoảng 4 phút rưỡi. Không có bất kỳ sự hồi đáp nào.
Tuy vậy, thông điệp vẫn đang truyền nhanh qua vũ trụ về phía chòm sao Thiên Bình.
2. Thông điệp bằng hình ảnh
Nếu như mã Morse là phương thức giao tiếp với người ngoài hành tinh được lựa chọn của Liên Xô, thì thông điệp bằng hình ảnh lại là cách làm của các nhà khoa học tới từ Mỹ.
Họ tin rằng, nếu người ngoài hành tinh không nói được ngôn ngữ của chúng ta, hoặc họ sử dụng một phương thức nào đó, thì hình ảnh vẫn sẽ là một yếu tố cơ bản để nhận biết và nắm bắt các thông tin.
Bởi lẽ đó, NASA gắn các tấm nhôm mạ vàng phía bên ngoài tàu vũ trụ Pioneer 10 và Pioneer 11, với hình ảnh một người đàn ông và phụ nữ khỏa thân cùng một số biểu tượng được thiết kế nhằm cung cấp thông tin về nguồn gốc của tàu vũ trụ.
Chúng bao gồm một sơ đồ về quá trình chuyển đổi hydro, nguyên tố phổ biến nhất trong vũ trụ; một bản đồ ẩn tinh với Mặt Trời ở trung tâm, hiển thị khoảng cách tương đối của 14 ẩn tinh và mã nhị phân chu kỳ của chúng.
Ngoài ra, một bản phác thảo Hệ Mặt Trời của chúng ta cũng được trình bày trên các tấm nhôm, với một mũi tên dài chỉ Trái đất là hành tinh đã phóng tàu vũ trụ.
Tàu Pioneer 10 được phóng vào năm 1972. Nó bay qua Sao Mộc năm 1973, bay qua quỹ đạo Sao Thổ năm 1976, quỹ đạo Sao Thiên Vương năm 1979, quỹ đạo Sao Hải Vương năm 1983.
Lần liên lạc thành công cuối cùng với tàu Pioneer 10 được thực hiện vào năm 2002, cách đây hơn 2 thập kỷ, khi nó ở cách Trái đất 12 tỷ km. Hiện, Pioneer đang hướng tới ngôi sao Aldebaran (cách Trái đất 65 năm ánh sáng) trong chòm sao Kim Ngưu.
Tàu Pioneer 11 được phóng vào năm 1973. Nó bay qua Sao Mộc năm 1974 và Sao Thổ năm 1979.
Trái với số phận của "người anh em" Pioneer 10, tàu bị mất toàn bộ năng lượng và phải ngừng hoạt động vào năm 1995. Hiện, tàu vẫn đang hướng tới chòm sao Aquila.
3. Thông điệp với rất nhiều thông tin
Thông điệp Arecibo được truyền vào không gian từ Kính thiên văn Arecibo ở Puerto Rico vào ngày 16/11/1974.
Thông điệp này hướng tới vị trí của cụm sao M13, nằm cách Trái đất khoảng 25.000 năm ánh sáng. Nó không chỉ đơn giản là lời chào, hay những chữ đơn giản.
Giả sử người ngoài hành tinh có thể giải mã chính xác nó, thông điệp chứa 1.679 bit dữ liệu này sẽ tiết lộ các số đếm từ 1 đến 10, số nguyên tử của các nguyên tố cơ bản tạo nên DNA, các thông tin về cấu trúc chuỗi xoắn kép của DNA, kích thước của một người trưởng thành, hình ảnh đồ họa của con người và dân số Trái đất vào thời điểm đó (khoảng 4 tỷ người).
Ngoài ra, thông điệp còn bao gồm hình ảnh của Hệ Mặt Trời, hình ảnh của kính viễn vọng vô tuyến Arecibo, kích thước của đĩa ăng-ten phát ra tín hiệu.
Các thông điệp được phát đi về sau này cũng mang theo rất nhiều thông tin, điển hình như tín hiệu được gửi từ Yevpatoria, Ukraine vào các năm 1999 và 2003, bao gồm các ký hiệu đặc biệt cấu thành nên bảng chữ cái, các toán tử, đơn vị đo lường, tên của các hành tinh, nguyên tố hóa học, khái niệm vật lý, khái niệm sinh học…
Một thông điệp từ Trái đất (AMFE) được truyền đi vào ngày 9/10/2008 tới Gliese 581c, một ngoại hành tinh quay quanh hệ thống Gliese 581 ở khoảng cách 20,5 năm ánh sáng, chứa 501 tin nhắn được lựa chọn thông qua một cuộc thi trên trang mạng xã hội Bebo.
Hơn nửa triệu người, bao gồm cả những người nổi tiếng và chính trị gia đã tham gia vào dự án AMFE, nhằm tạo ra độ phong phú của những thông tin được gửi đi dưới dạng tin nhắn. Tuy nhiên, một số người cho rằng việc gửi đi quá nhiều thông tin không liên quan như vậy sẽ chẳng giải quyết được điều gì.
4. Bảng ghi âm tiếng nói
Ngoài các thông điệp bằng hình ảnh và tín hiệu vô tuyến, chúng ta cũng đã gửi đi các bản ghi âm, với hy vọng rằng một số nền văn minh có thể thực sự "nghe" chúng và hiểu được.
Khi tàu Voyager 1 và 2 được phóng vào năm 1977, mỗi tàu đều mang theo một bản ghi âm giống hệt nhau. Chúng được chọn lọc để mô tả sự đa dạng của cuộc sống và văn hóa trên Trái đất.
Theo đó, các bản ghi âm bao gồm lời chào bằng 55 ngôn ngữ cổ xưa và hiện đại, các âm thanh khác của con người như tiếng bước chân và tiếng cười, các tác phẩm âm nhạc của Bach, Mozart, Beethoven...
Cách để sử dụng và phát bản ghi cũng được mô tả bằng hình vẽ và một số ký tự đặc biệt.
Tới nay, tàu Voyager 1 đã đi qua quỹ đạo của Sao Diêm Vương vào năm 1990 và rời khỏi Hệ Mặt Trời vào năm 2004.
Trong khoảng 40.000 năm nữa, hai tàu này sẽ đến hướng đến 2 ngôi sao riêng biệt, cách nhau khoảng 1,8 năm ánh sáng.
Cụ thể, tàu Voyager 1 sẽ tiếp cận ngôi sao Gliese 445, nằm trong chòm sao Camelopardalis. Còn Voyager 2 sẽ tiếp cận ngôi sao Ross 248, nằm trong chòm sao Tiên Nữ.
5. Lần hiếm hói có tín hiệu hồi đáp
Trong số hàng chục tín hiệu được phát đi, chúng ta vẫn chưa thể may mắn tìm thấy bất kỳ một nền văn minh nào đáp trả. Ngay cả những tín hiệu phản hồi cũng vô cùng ít ỏi.
Một trong những lần hy hữu đó đã xuất hiện vào ngày 15/8/1977, khi kính viễn vọng vô tuyến Big Ear của Đại học bang Ohio (Mỹ) bắt được một tín hiệu mạnh từ hướng của chòm sao Nhân Mã.
Tuy nhiên trái với sự kỳ vọng, đây chỉ là một dạng tín hiệu tự nhiên, được bắt nguồn từ hydro, nguyên tố phổ biến nhất trong vũ trụ.
Mặc dù chúng ta chưa tìm thấy bất kỳ dấu hiệu về sự tồn tại của một nền văn minh trong phạm vi 50 năm ánh sáng, thì sự sống có lẽ vẫn đang tồn tại ngoài kia.
Họ đơn giản là đang chờ "cuộc gọi" của chúng ta. Hoặc đây chỉ là giả định mà chúng ta đưa ra để giải đáp cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình.
Cho tới lúc đó, những câu hỏi lớn vẫn sẽ tiếp tục không có lời giải. Đó là liệu có người ngoài hành tinh hay không? Họ có thân thiện không? Họ giao tiếp với chúng ta bằng cách nào?
Hay quan trọng hơn, như nhà vật lý Stephen Hawking từng đề cập trong cuốn sách của mình, rằng: Liệu có khôn ngoan khi chúng ta liên lạc với người ngoài hành tinh?