Những lời có cánh về thiên tài Isaac Newton
Kỷ niệm ngày sinh (4 tháng 1 năm 1643) nhà Vật lý, nhà Toán học, nhà Thiên văn... Isaac Newton vĩ đại, chúng tôi trân trọng trích dẫn một số ý kiến của các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong gần ba thế kỷ qua nói về ông. Tất cả như cùng tôn vinh: Newton là nhà khoa học siêu việt bậc nhất.
Isaac Newton (1642-1727)
Laplace, nhà Thiên văn học trứ danh Pháp: Nguyên tắc Toán học (tác phẩm để đời của Newton) “vượt lên trên mọi tác phẩm khác của thiên tài nhân loại”.
Lagrange, nhà Toán học lừng danh: “Newton là một thiên tài vĩ đại chưa từng thấy.”
Nhà Thiên văn lỗi lạc Mỹ W.W. Campbell: “Đối với tôi, không những Isaac Newton là một vĩ nhân của Khoa Vật lý học mà còn là người độc nhất đã khai phá ra Khoa Vật lý Thiên văn học”.
Stanley Cohen (nhà Hóa Sinh đoạt giải Nobel năm 1986) viết: “Thành công lớn của Newton sở dĩ có được nhờ những công trình của các nhà khoa học tiền bối. Ngày trước Newton, Descartes và Fernat đã phát minh ra khoa hình học Giải tích, Oughtred, Harriot và Wallis đã phát triển môn Đại số, Kepler tìm ra định luật về chuyển động, Galileo tìm ra định luật về tốc độ và xác định rằng: một sự chuyển động có thể chia ra nhiều thành phần độc lập (thí dụ như trái đạn bay gồm có một tốc độ tiến đều về phía trước và một tốc độ rơi xuống tăng dần như kiểu một vật nặng rơi xuống vậy). Nhưng công trình vừa kể của các nhà bác học chỉ là những yếu tố chuẩn bị cho khối óc vĩ đại của Newton thực hiện một sự “tổng hợp” để chứng minh dứt khoát rằng: vũ trụ chuyển vận theo các định luật toán học”.
Jean: “Thời đó, thế giới đang cần một người có khả năng hệ thống hoá, tổng hợp và triển khai những công trình toán học có tính toàn thể, và người đó là thiên tài Newton”.
James Jeans (nhà Vật lý học, Thiên văn học, Toán học người Anh) nhận định: "Những nguyên tắc của Newton chỉ lạc hậu đối với một phần hết sức nhỏ của khoa học hiện đại. Khi các nhà Thiên văn học muốn viết những bài thông thường về vấn đề hàng không hay muốn thảo luận về sự chuyển động của các hành tinh, họ chỉ cần sử dụng những lý thuyết của Newton. Các kỹ sư xây cầu, đóng tàu thuỷ, đầu máy xe hoả vẫn sử dụng những kiến thức xưa, và như thế lý thuyết của Newton không còn gì thay đổi.
Trường hợp kỹ sư điện sửa chữa máy điện thoại hay vẽ thiết kế nhà máy phát điện cũng tương tự. Khoa học ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày vẫn hoàn toàn là khoa học căn cứ vào công trình của Newton. Chính khối óc siêu việt của ông đã đưa khoa học vào đúng đường của nó, và bất kỳ ai am hiểu phương pháp của Newton đều phải tin tưởng những phương pháp đó chắc chắn sẽ dẫn ta tìm ra sự thật về khoa học”.
Cây táo trong điền trang Woolsthorpe, hạt Lincolnshire, Anh. Thiên tài khoa học Isaac Newton phát triển Định luật Vạn vật hấp dẫn sau khi nhìn thấy một quả táo rụng từ cây này. Hiện nay nó đã được gần 350 tuổi - Ảnh: Telegraph. |
Einstein: “Đối với Newton, tạo vật là một quyển sách để ngỏ mà ông có thể đọc được một cách dễ dàng. Ở Newton người ta thấy sự kết hợp nhà thực nghiệm, nhà lý thuyết, nhà cơ khí học và ông còn là một nghệ sĩ khi ông phô diễn tư tưởng của ông”.
Newton tự nhận định: “Tôi không biết người ta cho tôi là một người như thế nào? Nhưng riêng mình, tôi thấy tôi chỉ là một đứa trẻ con chơi đùa trên bãi biển, thỉnh thoảng phát hiện được một hòn sỏi nhẵn nhụi, một vỏ sò xinh đẹp, trong khi trước mặt tôi còn cả một đại dương bao la đầy những bí mật chưa được khám phá”.
Isaac Newton là một nhà Vật lý, nhà Thiên văn học, nhà Triết học tự nhiên và nhà Toán học vĩ đại người Anh. Theo lịch Gregory, ông sinh ngày 4 tháng 1 năm 1643 ( theo Công lịch, ngày 25 tháng 12 năm 1642) và mất ngày 31 tháng 3 năm 1727. Luận thuyết của ông về Các Nguyên lý Toán học của Triết lý về Tự nhiên xuất bản năm 1687, mô tả về vạn vật hấp dẫn và 3 định luật Newton, được coi là nền tảng của cơ học cổ điển, đã thống trị các quan niệm về vật lý, khoa học trong suốt 3 thế kỷ tiếp theo. Ông cho rằng sự chuyển động của các vật thể trên mặt đất và các vật thể trong bầu trời bị chi phối bởi các định luật tự nhiên giống nhau.
Trong cơ học, Newton đưa ra nguyên lý bảo toàn động lượng (bảo toàn quán tính). Trong quang học, ông khám phá ra sự tán sắc ánh sáng, giải thích việc ánh sáng trắng qua lăng kính trở thành nhiều màu.
Trong toán học, Newton cùng với Gottfried Leibniz phát triển phép tính vi phân và tích phân. Ông cũng đưa ra nhị thức Newton tổng quát.