Những món ăn mang ý nghĩa "giải đen" cuối năm
Theo quan niệm dân gian, mực, vịt, trứng vịt lộn, khổ qua hay chuối tiêu là những món ăn giúp "xua đuổi vận xui", "giải đen".
1. Mực
Mực nướng sa tế. (Ảnh: Ngô Tuyết Phượng).
Mực là món ăn đại kỵ ngày đầu năm, đầu tháng. Ông bà ta xưa có câu: "Đen như mực". Loại hải sản này có túi màu đen nên theo quan niệm dân gian, chúng mang lại những điều đen đủi, không may mắn. Tuy vậy, món ăn này lại rất thích hợp để ăn vào dịp cuối năm và cuối tháng, với mục đích giải đen, xả xui. Mực có thể làm được nhiều món như mực hấp đơn giản, mực nhồi thịt hấp, mực xào kim chi, mực xào rau củ, gỏi mực, khô mực, lẩu mực nhúng lá giang, mực nhúng giấm, mực nướng chao cay, mực nướng sa tế...
2. Vịt
Các món vịt cũng được ưa chuộng để giải đen cuối năm. (Ảnh: Ngô Tuyết Phượng).
Tương tự mực, vịt cũng là món ăn được ưa chuộng vào dịp cuối tháng hay mỗi khi không may mắn. Người xưa quan niệm con vịt mang lại vận xui trong làm ăn, tan đàn xẻ nghé, chậm chạp, ì ạch nên thường tránh năm đầu tháng, đầu năm. Nhưng vào những ngày sát Tết, thịt vịt lại được ưa chuộng để "xua đuổi" những điều không may mắn.
Dịp này, các quán vịt bình dân đông khách hơn hẳn, đặc biệt là những món vịt nướng, vịt quay thơm nức mũi. Ngoài ra, vịt còn làm được các món như nấu cà ri, lẩu vịt sa tế, vịt nấu chao, vịt nấu khoai môn, nộm vịt rau muống, vịt kho ngũ vị hương, miến vịt quay, cháo vịt, vịt giả cầy...
3. Trứng vịt lộn
Trứng vịt lộn với lớp ngoài giòn tan, bên trong trứng vịt nóng hổi thơm thức, hòa quyện nước mắm chua ngọt cay cay. (Ảnh: Lê Nguyên).
Người xưa quan niệm nếu đang đang xui rủi mà ăn trứng vịt lộn, vận hạn sẽ được đảo ngược. Món ăn này được ưa chuộng khi kết thúc năm cũ hay tháng cũ. Để giải đen, người ta thường ăn trứng theo số lẻ 1-3-5-7 quả để vận xui được đảo lại, nhận về phần may mắn. Thậm chí ở nhiều nơi, sau khi ăn xong, trứng phải bóp nát vỏ trứng hoặc giẫm nát. Hành động này giúp xóa tan vận xui, mang tới nhiều điều may mắn tốt lành. Trứng vịt lộn phổ biến với cách luộc, ăn kèm rau răm và gừng. Tuy nhiên, nguyên liệu này cũng có nhiều biến tấu như trứng vịt lộn chiên mắm, om bầu, xào me, nướng chua cay, hầm ngải cứu, nấu cháo...
4. Mướp đắng (khổ qua)
Khổ qua ngâm chua ngọt giải ngấy dịp Tết. (Ảnh: Ngô Tuyết Phượng).
Nhắc đến ngày Tết phương Nam là nhắc tới khổ qua, hay còn gọi là mướp đắng. Người ta thường nấu khổ qua trong bữa cơm tất niên hoặc trong ba ngày Tết. Sở dĩ món ăn này được ưa chuộng là bởi tên gọi may mắn, mong mọi sự buồn khổ, xui xẻo trong năm cũ sẽ chóng qua để đón nhận những điều tốt lành trong năm mới.
Vào những ngày Tết, trời miền Nam thường nắng nóng. Ăn nhiều món thịt, cá, giàu đạm dễ bị nóng trong người. Một bát canh khổ qua vị thanh mát có thể giúp cơ thể điều hòa. Cách nấu phổ biến nhất là canh khổ qua nhồi thịt. Những ngày tụ tập gia đình cuối năm, bạn có thể làm lẩu chả cá thác lác ăn kèm khổ qua, khổ qua ngâm chua ngọt, gỏi khổ qua, khổ qua xào trứng, ăn kèm ruốc...
5. Chuối tiêu
Chuối ép phơi khô có thể làm thành món ăn vặt. (Ảnh: Ngô Tuyết Phượng).
Ở một số địa phương, chuối tiêu cũng là món kiêng kỵ bởi dễ khiến gia chủ tiêu tán tài sản. Ngoài ra, chuối còn nghe gần giống với "chúi", mang nghĩa "không ngóc đầu lên được". Thay vào đó, chuối tiêu thường được ăn vào cuối tháng và cuối năm để xả xui. Chuối tiêu có giá thành rẻ, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Nếu không muốn ăn chuối tươi, bạn có thể làm một số món ăn vặt như chuối chiên, bánh chuối, chuối ngào đường, bánh mì chuối, sinh tố chuối, chè chuối...