Những ngôn ngữ nào dễ học và khó nhất đối với người nói tiếng Anh bản ngữ?
Phần lớn mỗi người trong chúng ta đều khao khát mở rộng nhận thức, thế giới quan của bản thân, và để làm điều đó, thì học ngoại ngữ là một trong những lựa chọn hiển nhiên và đầy sáng suốt.
Bài viết này là ý kiến cá nhân của cây bút John Malathronas đến từ CNN.
Đó là điều mà tôi mà tôi có thể minh chứng bằng bản thân mình: Đến năm 12 tuổi, tôi có thể nói tiếng Đức, tiếng Hy Lạp và tiếng Anh, vì vậy ngôn ngữ đã trở thành một niềm đam mê và sở thích. Lời khuyên của tôi, đó là bạn hãy học một ngôn ngữ vì nó cũng sẽ khiến bạn quan tâm đến nền văn hóa và đất nước đó.
Nếu thích Tolstoy và Dostoyevsky, hãy học tiếng Nga; nếu định sống ở Bangkok, hãy học tiếng Thái; nếu "nửa kia" của bạn là người Mexico, hãy học tiếng Tây Ban Nha.
Và hãy nhớ rằng: Mặc dù những chuyến du lịch nước ngoài của bạn chỉ mất vài tuần, nhưng thông thạo một ngôn ngữ là một cam kết lâu dài, mất nhiều năm chứ không phải vài tháng.
Ngôn ngữ và ngoại giao
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hoa Kỳ đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới bằng cách đào tạo nhân viên đại sứ quán của mình học ngôn ngữ địa phương của các quốc gia nơi họ đang làm việc.
Theo đó, Viện Dịch vụ Đối ngoại Hoa Kỳ (FSI) đã tiến hành phân loại độ khó ngôn ngữ theo từng cấp độ đối với những người dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính của họ.
Dưới đây là một số ví dụ, được xếp theo thứ tự số giờ mà người học cần trung bình để thành thạo ngôn ngữ đó.
Dễ nhất (khoảng 600 giờ)
Chỉ sau 600 giờ học, bạn sẽ không gặp khó khăn gì khi dạo bước trên đường phố Paris. (Ảnh: PHILIPPE LOPEZ).
Cùng với tiếng Hà Lan và Na Uy, thì các ngôn ngữ Latinh phổ biến như tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha đòi hỏi khoảng 600 giờ học để có thể đạt đến "trình độ chuyên môn chung" về kỹ năng nói và đọc.
Trong nhóm này, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý là dễ nhất đối với những người nói tiếng Anh bản ngữ, tiếp theo sau là tiếng Bồ Đào Nha và cuối cùng là tiếng Pháp.
Các ngôn ngữ này có nhiều từ vựng tương đối giống với tiếng Anh, nhưng thật ra chính điểm chung phổ biến đó lại tạo nên tình trạng "bạn bè giả", vì những từ vựng thuộc các ngôn ngữ khác nhau, có thể giống nhau về mặt chữ và phát âm, nhưng lại chênh lệch khá lớn về mặt ngữ nghĩa. Ví dụ: so với tiếng Anh thì trong tiếng Tây Ban Nha, một phụ nữ "embarazada" nghĩa là đang mang thai, trong khi đó "préservatif" trong tiếng Pháp không phải là thực phẩm mà là bao cao su.
Trong khi tiếng Pháp và tiếng Ý đã được chuẩn hóa khá nhiều, thì đối với tiếng Tây Ban Nha, bạn sẽ phải chọn học tiếng Tây Ban Nha Mỹ Latinh hoặc "castellano" (được dùng phổ biến ở Tây Ban Nha), chúng khác biệt khá nhiều tương tự như giữa tiếng Anh Mỹ và Anh Anh.
Sự lựa chọn thậm chí còn đa dạng hơn với ngôn ngữ Bồ Đào Nha. Từ lâu, tôi đã quyết định thử sức mình với tiếng Bồ Đào Nha Brasil và cho đến nay tôi vẫn không thể hiểu chính xác những gì người bản địa đến từ Bồ Đào Nha nói.
Tiếng Đức (750 giờ)
Nếu muốn thẩm thấu bộ tiểu thuyết "Wild West" của của Karl May bằng ngôn ngữ gốc của nó. Trước tiên, bạn sẽ cần dành 750 giờ để thành thạo tiếng Đức. (Ảnh: Sean Gallup).
Một trong những giáo viên tiếng Đức của tôi từng nói đùa rằng bạn sẽ phải mất một năm chỉ để nói "Tôi đang đi trên xe buýt, nhưng một khi đã leo lên được chiếc xe buýt đó thì sẽ ổn thôi".
Từ vựng được chia thành giống đực, giống cái và trung tính, còn động từ được kết hợp rất nhiều cùng với yêu cầu cú pháp cực kỳ khắt khe, tiếng Đức dường như là một cực hình khi ở giai đoạn làm quen.
Tuy nhiên, các phát âm và chính tả lại không quá phức tạp, một khi đã nắm được quy tắc (phải thừa nhận là khối lượng kiến thức rất nhiều), thì mọi thứ cũng khá đơn giản.
Khi đã nắm được tương đối kiến thức, bạn sẽ bắt đầu nhận ra lý do tại sao người Đức không bao giờ ngắt lời trong một cuộc trò chuyện: Vì họ đang chờ nghe động từ nằm ở cuối câu để hiểu rõ được bạn đang nói về vấn đề gì.
Tiếng Malay và tiếng Swahili (900 giờ)
Tiếng Mã Lai là dạng ngôn ngữ phụ trợ (lingua franca) của một số nước Đông Nam Á và đã được đơn giản hóa như một ngôn ngữ thứ hai đối với những người không phải là dân bản ngữ.
Ví dụ, số nhiều trong tiếng Mã Lai được hình thành bằng cách lặp lại một từ hai lần - buku có nghĩa là sách và buku-buku có nghĩa là nhiều quyển sách.
Tương tự, tiếng Swahili phát triển như là ngôn ngữ phục vụ cho giao dịch ở Đông Phi và sử dụng từ vựng tiếng Ả Rập dựa trên ngữ pháp châu Phi.
Tiếng Hungary (1.100 giờ)
Nếu muốn thử thách bản thân hơn nữa, hãy tìm đến ngôn ngữ Hungary. Nó không hề giống một ngữ hệ châu Âu nào bạn từng nghe, ngoại trừ tiếng xứ Basque.
Tôi nhớ có lần trò chuyện với một người bạn, cô ấy khẳng định rằng "đặc điểm của danh từ là bị biến cách còn động từ là được chia", tuy nhiên điều đó không đúng với tiếng Hungary, khi mà danh từ đều bị chia hoặc biến cách, đôi khi là đồng thời cả hai.
Bạn biểu thị sự chiếm hữu (khu vườn của tôi, khu vườn của bạn, khu vườn của anh ấy, v.v.) bằng cách đặt đuôi động từ cho danh từ vườn.
Trong trường hợp đó, "your garden" (khu vườn của bạn) sẽ chuyển thành "gardenest" và "his garden" (khu vườn của anh ấy) sẽ là "gardeneth".
Có thể bạn sẽ thắc mắc những trường hợp sỡ hữu cách kép (double possessives) thì sẽ như thế nào? Chẳng hạn như "my mother's garden's flowers" (những bông hoa trong vườn của mẹ tôi) hay là sự khác biệt giữa kết hợp cụm từ giữa số ít và số nhiều. Nhưng thật sự, đến bước này thì tôi đã phải từ bỏ.
Tiếng Hy Lạp (1.100 giờ)
Chuyến đi Hy Lạp sắp tới của bạn sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều nếu dành một chút thời gian học tiếng Hy Lạp.
Tiếng Hy Lạp hiện đại có lẽ là ngôn ngữ dễ học nhất, sử dụng một bảng chữ cái khác nhau.
Có một cuốn sách hay ho có tựa đề "Học tiếng Hy Lạp trong 25 năm", nhưng thật ra bạn sẽ phải ngạc nhiên về mức độ đơn giản của việc học bảng chữ cái ngôn ngữ này. Bởi vì, tiếng Hy Lạp cũng là một nguồn cung cấp phong phú từ vựng cho tiếng Anh.
Thật vậy, vào năm 1957 Xenophon Zolotas, thống đốc Ngân hàng Hy Lạp lúc bấy giờ, đã có hai bài phát biểu bằng tiếng Anh trước tổ chức IMF, đáng chú ý là trong đó chỉ chứa những từ tiếng Anh có nguồn gốc Hy Lạp, tất nhiên là có kèm theo những từ tiếng Anh cấu trúc bổ trợ cần thiết.
Tiếng Nga (1.100 giờ)
Một lợi thế lớn khi học tiếng Nga đó là một khi đã thành thạo, bạn có thể hiểu các ngôn ngữ Slav khác như tiếng Séc, tiếng Ba Lan hoặc tiếng Bungari.
Ngôn ngữ này cũng được sử dụng căn bản ở tất cả các quốc gia thuộc Liên bang Xô viết cũ từ Armenia đến Kyrgyzstan.
Ẩn đằng sau bức màn bí ẩn về bảng chữ cái Cyrillic, đây quả thật là một trong những hệ ngôn ngữ khó thành thạo, đến nỗi nhiều người Nga thậm chí còn nói sai.
Nhưng bất kỳ những ai yêu thích văn học thế giới, âm nhạc, múa ba lê và cả những phi hành gia đầy tham vọng (tiếng Nga là môn học bắt buộc tại NASA) cũng nên học hệ ngôn ngữ với hơn 500.000 từ này (thậm chí, có những từ dài tới 38 ký tự).
Tiếng Ả Rập (2.200 giờ)
Người nói tiếng Anh bản ngữ trung bình phải mất 2.200 giờ để thành thạo tiếng Ả Rập.
Có một mẫu chuyện vui được mọi người truyền tai nhau như thế này, có một công ty dược phẩm đã quảng cáo một loại thuốc giảm đau với 3 hình ảnh không lời nhằm dễ dàng tiếp cận người dùng trên toàn cầu.
Hình bên trái mô tả một người phụ nữ bị đau đầu. Bức ảnh ở giữa là cô ấy đang nuốt viên thuốc và bức bên phải là cô ấy mỉm cười sau khi cơn đau giảm bớt.
Ý nghĩa của thông điệp được truyền tải chính xác ở mọi nơi, ngoại trừ thế giới Ả Rập, những người luôn đọc theo hướng từ phải sang trái.
Hướng đọc và kiểu viết chữ thảo với các ký tự được viết nối liên tiếp, có thể có hoặc không có các nguyên âm, là hai rào cản lớn đối với những người muốn học tiếng Ả Rập.
Tiếng Ả Rập cổ điển (ngôn ngữ được dùng trong kinh Qur'an) sẽ giúp bạn hiểu ở mọi nơi, nhưng tiếng Ả Rập thông tục có thể hữu ích hơn, bởi vì một khi người dân địa phương bắt đầu trò chuyện với nhau, bạn sẽ không thể theo kịp cốt lõi đoạn hội thoại.
Nhưng ai có thể cưỡng lại được một ngôn ngữ với 11 từ dành cho tình yêu, 5 cấp độ chửi thề và gần 100 từ miêu tả một con lạc đà cơ chứ?
Tiếng Nhật (2.200 giờ)
Đây là đất nước đã làm thế giới thêm nhiều màu sắc với sushi, karaoke và manga, vì thế Nhật Bản có rất nhiều "tín đồ" trên toàn cầu, đặc biệt là trong giới game thủ và những ai có đôi phần lập dị.
Nhưng sự yêu thích đó sẽ phải đối mặt với một dạng ngôn ngữ cực kỳ "khó nhằn", sử dụng các ký tự du nhập từ chữ Hán (chữ Kanji) đã xa rời nét nghĩa gốc của chúng, cùng với đó là thêm 2 bảng chữ cái Hiragana và Katakana, mà bạn buộc phải học ngữ cảnh sử dụng chúng một cách phù hợp.
Ngoài ra, việc học đếm các đối tượng trong tiếng Nhật cũng là một nỗi "kinh hoàng" với nhiều người vì phụ thuộc vào tính chất của đồ vật mà sẽ có cách đếm khác nhau, chẳng hạn như dài và mỏng (đường), nhỏ và tròn (táo), mỏng và phẳng (tờ giấy), rộng và phẳng (thảm) và hàng trăm loại khác.
Những gì bạn nói ra cũng sẽ phụ thuộc vào giới tính của bạn. Có một dạng ngôn ngữ "mạnh bạo" hơn dành cho nam giới và một ngôn ngữ "quý phái" hơn đối với phụ nữ, nhưng bạn sẽ buộc phải hiểu được cả hai.
Tiếng Quảng Đông hay Quan thoại (2.200 giờ cho mỗi thứ tiếng)
Một trong những thách thức để thành thạo tiếng Quan Thoại là phải học tất cả các ký tự.
Mỗi phương ngữ Trung Quốc thực chất là một kiểu ngôn ngữ riêng biệt nhưng tiếng Quan Thoại (Putonghua trong tiếng Trung Quốc, có nghĩa là ngôn ngữ phổ chung) được coi là ngôn ngữ chính thức ở Trung Quốc hiện đại. Tất cả đều cùng chia sẻ (cơ bản là vậy) một hệ thống chữ viết liên tục tiến hóa, được gọi là 書面語 (ngôn ngữ viết) được phát minh để quản lý một đất nước đa dạng và rộng lớn.
Mọi thứ còn phức tạp hơn khi có hai loại chữ Hán chính được sử dụng trong cùng một hệ thống chữ viết: chữ Hán phồn thể được sử dụng ở Hồng Kông, Đài Loan và chữ Hán giản thể ở Trung Quốc đại lục (được chuẩn hóa và giản thể hóa vào những năm 1950 để phổ cập khả năng đọc viết trên cả nước).
Ví dụ: bay được viết là 飛 trong chữ Hán phồn thể và飞 trong chữ Hán giản thể. Về cơ bản, chúng là cùng một ký tự được viết theo hai cách khác nhau nhưng được phát âm khác nhau khi nói theo các phương ngữ khác nhau.
Bạn đã bắt đầu cảm thấy bối rối?
Mỗi chữ viết khi được nói ra đều không thể hiểu được giữa một người nói tiếng Quan Thoại ở Bắc Kinh và một người nói tiếng Quảng Đông ở Hồng Kông. Nếu bạn cho rằng điều đó thật kỳ lạ, thì hãy thử mường tượng như thế này: biểu tượng số "9" được công nhận trên toàn cầu nhưng nó sẽ được phát âm là "nine" trong tiếng Anh và "devet" trong tiếng Slovenia.
Mỗi từ phải được ghi nhớ một cách riêng biệt vì bạn không thể đoán cách phát âm của nó chỉ từ chữ viết. Trong khi đó, từ điển lại liệt kê các từ theo số nét, có từ 1 đến hơn 60 nét, còn ký tự cổ zhé có đến 64 nét.
Và sau đó là những thử thách về phát âm.
Vào thời Đế quốc Anh, nếu bạn được cử đến Hồng Kông làm công chức, trước tiên bạn phải vượt qua một bài kiểm tra âm nhạc vì tất cả các ngôn ngữ Trung Quốc đều mang thanh điệu.
Có bốn sắc thái trong tiếng Quan Thoại: cao độ (ví dụ như G trong thang âm nhạc), tăng độ (như từ C đến G), giảm xuống (từ G đến C) và giảm xuống thấp rồi tăng (C đến B đến G), và nếu như đến đây bạn đã cảm thấy "khó nuốt", thì xin chia buồn vì có đến chín ngữ điệu trong tiếng Quảng Đông.
Trong tiếng Quan Thoại, có cả một bài thơ mang tên "The Lion-Eating Poet in the Stone Den" chỉ với âm tiết "shi" được lặp lại 107 lần với nhiều ngữ điệu khác nhau.
Nói cách khác, nếu bạn là kiểu người "điếc nốt", không thể phân biệt được các âm trầm bổng, thì từ bỏ ngay lúc này cũng có thể là một lựa chọn.