Nơi an toàn cuối cùng cho động vật trước loại hóa chất độc hại này
Nam Cực là châu lục duy nhất, nơi các động vật sinh sống tại đây được an toàn trước loại hóa chất đặc biệt nguy hiểm.
Hóa chất vĩnh cửu PFAS (viết tắt của per- và polyfluoroalkyl) là hợp chất không phân hủy sinh học, được dùng để nhuộm, bôi trơn trong sản phẩm tiêu dùng như dệt may, giấy, bao bì đóng gói thực phẩm.
Nam Cực là nơi duy nhất trên Trái đất dường như vẫn an toàn trước hóa chất vĩnh cửu PFAS. (Ảnh: Getty).
Đã từ rất lâu, chúng được sản xuất và sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu. Điều đáng lo ngại là hợp chất này tồn tại rất lâu bên trong môi trường và cơ thể người. Cấu trúc của chúng cũng không thể bị phá vỡ, và sẽ tích lũy theo thời gian.
Cũng giống như con người, động vật có thể tích lũy PFAS bằng cách ăn cá, ăn cỏ, uống nước ở các nguồn sông, hồ... hoặc đơn giản chỉ là hít thở không khí.
Theo một báo cáo được công bố ngày 22/2 bởi Tổ Công tác Môi trường (EWG) - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và ủng hộ các hóa chất gia dụng, điều đó đã dẫn đến sự ô nhiễm lan rộng đối với các sinh vật sống.
Các nhà nghiên cứu tại đây tập hợp 125 công trình được đánh giá ngang hàng, đã thử nghiệm trên động vật hoang dã để tìm kiếm sự tồn tại của PFAS trong 5 năm qua.
Theo David Andrews, một nhà khoa học cấp cao tại EWG, tất cả nghiên cứu trong quá trình đánh giá đều phát hiện thấy PFAS tồn tại trên động vật, chim hoặc cá. Chỉ duy nhất có một nơi trên Trái đất là nơi động vật được an toàn trước PFAS, đó là Nam Cực.
"Đây thực sự là một vấn đề ô nhiễm toàn cầu và nó có khả năng ảnh hưởng đến động vật hoang dã ở khắp mọi nơi", Andrews cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Kiểm soát PFAS được xem là nhiệm vụ tối quan trọng để đảm bảo sức khỏe và sự tồn tại của các giống loài trên Trái đất. (Ảnh: FDA).
Trong suốt nhiều năm, động vật hoang dã trên toàn thế giới đấu tranh chống lại nạn mất môi trường sống, biến đổi khí hậu và săn bắn trộm. Báo cáo mới cho thấy rằng ô nhiễm từ hóa chất vĩnh cửu có thể gây ra một mối đe dọa khác đối với sự sống còn của nhiều loài.
Trên thực tế, tác động của PFAS đối với sức khỏe của sinh vật sống đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trên con người. Từ loại hóa chất này, chúng ta tìm thấy mối liên hệ với một số bệnh ung thư, bệnh tuyến giáp, giảm khả năng sinh sản, chậm phát triển, tổn thương gan, cholesterol cao và giảm phản ứng miễn dịch.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ thậm chí coi PFAS là "chất nguy hiểm" và đang nỗ lực nghiên cứu các quy tắc để giảm thiểu sự hiện diện của chúng trong nguồn nước sạch.
Họ cũng kêu gọi các tổ chức thay thế PFAS bằng cách lựa chọn hợp chất khác. Tháng trước, Liên minh Châu Âu (EU) đã đưa ra đề xuất cấm sản xuất, bán và sử dụng 10.000 mặt hàng có chứa PFAS. Đề xuất này hiện đang được đánh giá.
Tại Mỹ, EPA dự kiến sẽ công bố quy định quốc gia về nước uống đối với PFAS vào cuối năm 2023, bao gồm giới hạn mức độ ô nhiễm tối đa có thể thi hành.