Loại hóa chất có thể gây ung thư, tiểu đường trẻ em hiện diện ở mọi nơi
Các hóa chất vĩnh cửu (persistent chemicals) được sử dụng trong nhiều sản phẩm tiêu dùng, như các chất kháng khuẩn, thuốc trừ sâu, hóa chất chống cháy, phụ gia thực phẩm và các sản phẩm công nghiệp khác, đã được liên kết với nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm ảnh hưởng đến sự phát triển sinh học của trẻ em và các vấn đề về tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư và các vấn đề sức khỏe khác.
"Các chất polyfluoroalkyl (hay PFAS), được sử dụng trong một loạt các sản phẩm gia dụng và được gọi là "hóa chất vĩnh cửu" vì chúng phân hủy rất chậm và tích tụ trong môi trường và trong cơ thể con người". Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, các hóa chất này có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh.
Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives cho thấy việc tiếp xúc với chúng cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển sinh học của trẻ em - đặc biệt là chức năng tuyến giáp. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với trẻ em.
Hóa chất vĩnh cửu ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp của trẻ.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trường Y Keck của USC phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với hỗn hợp hóa chất tổng hợp PFAS được tìm thấy rộng rãi trong môi trường làm thay đổi một số quá trình sinh học quan trọng (bao gồm chuyển hóa chất béo và axit amin) ở cả trẻ em cũng như thanh niên. Sự gián đoạn của các quá trình sinh học này có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một loạt các bệnh, bao gồm rối loạn phát triển, bệnh tim mạch, bệnh chuyển hóa và nhiều loại ung thư.
Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu từ hai nhóm thanh thiếu niên và trẻ em. Họ phát hiện ra rằng tất cả trẻ em và thanh thiếu niên đều có hỗn hợp một số PFAS phổ biến trong máu của họ bao gồm PFOS, PFHxS, PFHpS, PFOA và PFNA. Hơn 98% những người tham gia cũng có PFDA trong máu.
Các nhà nghiên cứu xác định rằng phơi nhiễm PFAS đã làm thay đổi cách cơ thể chuyển hóa lipid và axit amin cũng như mức độ hormone tuyến giáp - một yếu tố quyết định quan trọng đến tỷ lệ trao đổi chất.
PFAS là những hóa chất nhân tạo được sử dụng trong một loạt các sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp. PFAS là một nhóm hóa chất nhân tạo bao gồm GenX, PFOS và PFOA. Đây là các hợp chất không phân hủy sinh học (non-biodegradable compounds), đã được sử dụng từ những năm 1950 trong các sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng bao gồm bọt chữa cháy, xi mạ kim loại, sản phẩm chống thấm nước/nhiệt, vải chống ố, thảm, chảo chống dính, sơn, chất đánh bóng, sáp, sản phẩm tẩy rửa và bao bì thực phẩm.
Các nhà nghiên cứu tập trung vào trẻ em và thanh niên vì chúng đang trải qua các giai đoạn phát triển quan trọng, có thể dễ bị ảnh hưởng sức khỏe hơn khi tiếp xúc với PFAS. Đây cũng là thời điểm nhiều bệnh nghiêm trọng ở người lớn bắt đầu "bén rễ". Các nhà nghiên cứu nói thêm rằng những kết quả này phù hợp với các nghiên cứu trước đó cho thấy việc tiếp xúc với PFAS trong thời thơ ấu có thể làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa và bệnh tim mạch sau này.
Một phát hiện nổi bật nữa của nghiên cứu là việc tiếp xúc với PFAS có ảnh hưởng đến chức năng hormone tuyến giáp.
"Những phát hiện của chúng tôi có ý nghĩa rộng lớn đối với các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng giảm thiểu rủi ro. Chúng tôi phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với sự kết hợp của PFAS không chỉ làm gián đoạn quá trình chuyển hóa lipid và axit amin mà còn làm thay đổi chức năng hormone tuyến giáp", Jesse Goodrich, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Tuyến giáp có vai trò quan trọng trong tăng trưởng và trao đổi chất. Theo Goodrich, việc tiếp xúc với PFAS và cách chúng ảnh hưởng đến chức năng hormone tuyến giáp là đáng ngạc nhiên và có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và trao đổi chất. Hormone tuyến giáp rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ em ở tuổi dậy thì và rất quan trọng cho sự tăng trưởng và trưởng thành của nhiều mô đích, bao gồm cả não và bộ xương. Tổn thương chức năng của tuyến giáp có khả năng làm tăng tiềm năng phát triển bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư ở trẻ em.
PFAS độc hại có ở khắp mọi nơi
Tháng 5/2022, theo thông tin đưa trên trang The Guardian, một nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Silent Spring Institute (SSI - Mỹ) phát hiện các "hóa chất vĩnh cửu" trong gần 60% hàng dệt may "chống thấm nước" hoặc "chống vết bẩn" dành cho trẻ em. Tổ chức này đã tìm thấy PFAS - một nhóm gồm hơn 9.000 hợp chất - trong quần áo, vỏ gối, giường ngủ và đồ nội thất, một số được dán nhãn "thân thiện với môi trường".
PFAS trong quần áo có thể xâm nhập cơ thể người qua một số con đường. Chúng dễ bay hơi nên có thể tách khỏi sản phẩm, sau đó lơ lửng trong không khí và bị hít vào phổi. Chúng cũng bám vào bụi hoặc hấp thụ qua da, đồng thời hiện diện ở nhiều nơi như trong nước, đất, không khí, thực phẩm, vật liệu trong nhà hoặc nơi làm việc.
"Hầu hết trong số khoảng 4.700 hóa chất PFAS vẫn chưa được nghiên cứu về ảnh hưởng sức khỏe lâu dài", Laurel Schaider, một nhà hóa học môi trường tại Viện nghiên cứu phi lợi nhuận Silent Spring cho biết.
PFAS trong quần áo có thể xâm nhập cơ thể người qua một số con đường.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết 98% người Mỹ có một lượng nhỏ PFAS trong cơ thể và có thể mất từ 3 ngày đến 9 năm để chuyển hóa lượng này. Thật không may, không có cách nào dễ dàng để xác định mức độ phơi nhiễm.
Viện Silent Spring lưu ý người tiêu dùng khó tránh được các "hóa chất vĩnh cửu" vì chúng không được liệt kê cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận dạng chúng bởi đa số sản phẩm "chống vết bẩn" thường chứa PFAS.
Mới đây Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu xem xét đề xuất về việc cấm các loại "hóa chất vĩnh cửu" (PFAS) vì những nguy hại mà nó đem lại. Trong một tuyên bố chung, 5 quốc gia gồm Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy cho biết đã và đang hợp tác soạn thảo đề xuất trên. Các nước này nhấn mạnh, lệnh cấm PFAS sẽ làm giảm lượng PFAS trong môi trường trong thời gian dài, đồng thời sẽ tạo ra các sản phẩm và quy trình an toàn hơn cho con người.