Bất ngờ với nghiên cứu mới: Căng thẳng có thể lây từ người này qua người khác
Có thể cho rằng căng thẳng có thể lây nhiễm từ người này sang người khác thông qua tác động xã hội và tâm lý học. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mọi người có thể chịu ảnh hưởng từ cảm xúc và suy nghĩ của những người xung quanh, đặc biệt là trong các mối quan hệ gần gũi hoặc trong một nhóm.
Đa số mọi người đều sẽ trải qua căng thẳng vào một thời điểm nào đó trong đời. Câu hỏi là liệu căng thẳng có lây từ người này qua người khác, nếu có thì làm sao để tránh bị lây?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), căng thẳng có thể được định nghĩa là bất kỳ loại thay đổi nào gây ra căng thẳng về thể chất, cảm xúc hoặc tâm lý.
Một bài nghiên cứu trên tạp chí Psychoneuroendocrinology mới đây trở thành đề tài bàn luận của các nhà khoa học, sau khi các tác giả cho rằng căng thẳng có thể lây lan.
Căng thẳng là phản ứng của cơ thể đối với một tình huống bất thường ảnh hưởng đến thể chất, cảm xúc và trí tuệ. Một nghiên cứu mới cho rằng căng thẳng có thể lây lan - (Ảnh: ASK APOLLO).
Theo các tác giả, chỉ cần nhìn thấy một người khác trong tình huống căng thẳng có thể khiến cơ thể chúng ta giải phóng cortisol - một loại hormone liên quan đến phản ứng căng thẳng.
Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng hiện tượng này được gọi là “căng thẳng thấu cảm”.
“Hoàn toàn có thể trong tiềm thức cảm nhận được cảm xúc của người khác, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực”, bà Tara Perrot, một giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh tại Đại học Dalhousie ở Canada, nói với trang tin LiveScience.
Cảm xúc có thể “lây lan” từ người này sang người khác thông qua “tế bào thần kinh gương”, theo một đánh giá trên tạp chí Current Biology.
Đây là những tế bào não bị kích hoạt khi nhìn thấy ai đó thực hiện một hành động cụ thể - chẳng hạn như ngáp - và kích hoạt phản ứng khuyến khích hành động đáp lại. Điều này có nghĩa là, nếu một người thấy ai đó có vẻ mệt mỏi, họ có thể bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và nếu họ thấy ai đó có vẻ căng thẳng, họ có thể vô tình tiếp nhận trạng thái căng thẳng.
Ông Joe Herbert, giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Cambridge, Anh, nói: “Nếu ai đó hoảng sợ, họ đang ở trong trạng thái căng thẳng, sự hoảng loạn có thể lan rộng khắp cộng đồng, bất kể có nguyên nhân thực sự hay không".
Tuy nhiên, bà Perrot cho biết ở con người hiện đại, phản ứng căng thẳng thường được kích hoạt bởi các tác nhân gây căng thẳng tâm lý, khiến các hormone căng thẳng tồn tại quá lâu. Bà nói: “Có rất nhiều rắc rối hằng ngày mà mọi người coi là căng thẳng và phản ứng căng thẳng có thể xảy ra quá thường xuyên. Điều này có thể gây hại cho cơ thể và não bộ".
Theo các nhà nghiên cứu, các hoạt động như hít thở không khí trong lành, tập thở và tập thể dục đều có thể giúp khắc phục, hoặc ít nhất là giảm tác động của việc lây sự căng thẳng từ người khác.
Giáo sư Herbert phân tích: “Phản ứng với căng thẳng là cách một cá nhân phản ứng cả về mặt cảm xúc, sinh lý (hormone, huyết áp...). Họ phải tìm cách thích nghi và học cách kiểm soát căng thẳng. Đó là chìa khóa để bảo vệ bản thân thoát khỏi căng thẳng của người khác".