Nơi điều chế thuốc phóng xạ chẩn đoán ung thư duy nhất ở Việt Nam
Trước khi Việt Nam điều chế được 2 loại thuốc này, người bệnh ung thư phải ra nước ngoài nếu có nhu cầu sử dụng.
Đây là hình ảnh một người bệnh được đưa vào buồng chụp của máy PET/CT, thiết bị cung cấp hình ảnh rất chi tiết về các mô ung thư với độ chính xác cao, được sử dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước khi chụp PET/CT, người bệnh được tiêm tĩnh mạch chất chỉ điểm phóng xạ, đây là hoạt chất quan trọng giúp các chuyên gia đánh giá được vị trí và mức độ ổ viêm hay tế bào ung thư.
Mới đây, khoa Y học Hạt nhân của bệnh viện vừa điều chế và sử dụng thành công 2 loại chỉ điểm phóng xạ mới có tên Ga-68 PSMA trong ung thư tuyến tiền liệt và Ga-68 Dotatate trong u thần kinh nội tiết. Điều chế thuốc phóng xạ để phục vụ chụp PET/CT là công việc không đơn giản, không gian cực kỳ khép kín để đảm bảo an toàn bức xạ tuyệt đối.
Kỹ sư vật lý hạt nhân Nguyễn Tấn Châu và kỹ sư hóa phóng xạ Nguyễn Thị Phương Nam đang phụ trách điều chế thuốc 2 loại thuốc này. Từ 2021, đơn vị này bắt đầu nhập máy móc, thử nghiệm điều chế. Trước đó, họ trải qua nhiều năm miệt mài học tập, trao đổi kinh nghiệm. Ngày 7/11, tức gần 3 năm sau nhiều nỗ lực, thuốc được chính thức đưa vào sử dụng.
Điều chế thuốc là một chuỗi phản ứng hóa học gồm 3 giai đoạn, 28 bước và diễn ra hơn 30 phút. Các kỹ sư phải liên tục theo dõi quá trình phản ứng, thu thập thông tin và thao tác đúng trình tự. Mỗi ngày, phòng điều chế chỉ sản xuất 2-4 liều.
Thành quả sau mỗi lần điều chế khoảng 15 ml. Thuốc sẽ được chuyển ngay đến phòng chụp PET/CT để có thể tiêm cho bệnh nhân trước một giờ trước khi lên máy chụp. Ưu điểm của 2 loại thuốc này trong chụp PET/CT là hình ảnh các tế bào ung thư sẽ hiển thị chi tiết hơn về mặt sinh học, chuyển hóa, giúp đánh giá, theo dõi điều trị ung thư sẽ dễ dàng hơn.
2 loại thuốc có chu kỳ bán rã rất ngắn, chỉ hơn 60 phút, sau bán rã thuốc bị giảm tác dụng nên không thể nhập thuốc từ nước ngoài về. Do đó, người bệnh phải tự ra nước ngoài nếu có nhu cầu. "Đây cũng là lý do để khoa quyết tâm tự sản xuất Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate phục vụ người bệnh ngay tại bệnh viện", TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân, chia sẻ.
Kỹ sư Nguyễn Tấn Châu đang kiểm tra mức độ phóng xạ xung quanh máy điều chế. Đây là công việc diễn ra liên tục trong môi trường bức xạ cao.
Đây là mô hình mô phỏng quy trình của phản ứng. Các kỹ sư của khoa Y học Hạt nhân nghiên cứu dựa trên mô hình này để thử nghiệm điều chế thuốc.
Thuốc phóng xạ khi được tiêm vào tĩnh mạch người bệnh, PET/CT có thể cung cấp hình ảnh rất chi tiết về các mô ung thư với độ chính xác cao. Trên ảnh là kết quả chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt tái phát của một bệnh nhân 47 tuổi đã mổ trước đó. Những đốm sáng màu đỏ là tế bào ung thư hiện lên sau khi phản ứng với thuốc Ga-68 PSMA.
Ngay từ lúc thuốc được sử dụng, Bệnh viện Chợ rẫy đã chụp PET/CT cho để phục vụ đánh giá, theo dõi điều trị cho 12 bệnh nhân chẩn đoán u nội tiết thần kinh và 13 bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt. Đây được xem là bước tiến lớn của Việt Nam để giúp bệnh nhân dễ dàng tiếp cận đến công nghệ chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, không phải ra nước ngoài như trước.