"Nỗi khổ" của động vật sau khi ngủ đông
Nhiều động vật, nhất là những loài ở xứ lạnh, bắt buộc phải ngủ đông để sống sót qua giai đoạn thời tiết khắc nghiệt. Mùa xuân đến, chúng tỉnh dậy, và một lần nữa phải thay đổi lối sống.
Theo trang The New York Times, các động vật ngủ đông thường cần lượng năng lượng kha khá để tỉnh dậy khi xuân đến, do đó chúng duy trì nhiệt độ cơ thể không quá thấp để dễ thức dậy.
Tuy nhiên, đa số động vật đều gặp khó khăn với sự thay đổi. Ở một số loài thú, khối lượng cơ thể của chúng giảm phân nửa so với trước khi ngủ đông.
Lờ đờ thêm nhiều tuần
Gấu đen sau khi tỉnh giấc ngủ đông thường lờ đờ vài tuần đến một tháng và chủ động không đi xa - (Ảnh: GETTY IMAGES).
Gấu đen thường thức dậy vào tháng 4 nhưng vẫn chưa tỉnh hẳn mà lờ đờ trong từ vài tuần đến cả tháng. Thời gian này, chúng vẫn duy trì thói quen ngủ nhiều và chủ động không đi xa nơi ở để giữ an toàn.
Do mất đi khoảng 1/3 khối lượng cơ thể sau ngủ đông, gấu thường không thèm ăn khi tỉnh dậy vì hệ trao đổi chất trong cơ thể vẫn chưa trở lại hoạt động như trước.
Điểm đặc biệt khi loài gấu ngủ đông là một vài con cái có thể sinh con ngay trong thời gian này. Gấu mẹ có khả năng tỉnh giấc trong chốc lát khi đàn con khóc, rồi lại tiếp tục giấc ngủ.
Mùa xuân tỉnh dậy, gấu mẹ thường tìm những cây với vỏ ngoài cứng cho chúng tập tành leo trèo.
"Mất gần một tháng trời để hệ trao đổi chất mới trở lại bình thường. Khi cây cỏ đâm chồi nảy lộc, loài gấu mới thật sự hoạt động" - Lynn Rogers, chuyên gia về gấu ở Viện Nghiên cứu môi trường hoang dã (Mỹ) cho biết.
"Xả thải" ngay lập tức
Việc đầu tiên mà ong làm thường là... "xả thải" sau mùa đông giá lạnh - (Ảnh: GETTY IMAGES).
Ong không hoàn toàn ngủ đông, nhưng nhiều loài giảm hẳn hoạt động trong khoản thời gian giá lạnh. Trong mùa đông, chúng thường ở trong hang, tụ tập xung quanh ong chúa và vận động để tạo ra nhiệt.
Thức ăn duy nhất của đàn ong trong thời gian này là nguồn mật được chúng dự trữ từ mùa hè.
Khi thời tiết ấm hơn, việc đầu tiên đàn ong làm là bay nhiều nơi chỉ để… "xả thải". Đó là do khi trú đông, chúng thường hạn chế bài tiết vì sợ sẽ làm bẩn tổ của mình.
Tiếp đó, ong sẽ tìm bay nguồn nước để bù lại thiếu thốn trong thời gian lạnh giá. Đồng thời, chúng sẽ "ngắm nghía" những nơi hoa cỏ bắt đầu bung nở để đến thu hoạch vài ngày sau.
Theo ông Mehmet Ali Doke, TS tại ĐH Pennsylvania (Mỹ), mùa đông kết thúc là lúc những đàn ong cạnh tranh khốc liệt với nhau.
"Chúng giành giật mọi thứ có thể để mang về tổ. Thậm chí, nếu bạn để hớ hênh những viên đường bên tách cà phê, chúng cũng không ngần ngại hốt lấy" - ông Doke nói.
"Dậy thì" sau ngủ đông
Sóc đực thường "dậy thì" sau khi ngủ đông dậy - (Ảnh: GETTY IMAGES)
Sóc đất Bắc Cực (Spermophilus parryii) ngủ đông khá sớm, thường vào tháng 8 hay tháng 9 hàng năm. Trong khoảng 270 ngày sau, chúng chỉ việc nghỉ ngơi và giảm đến 90% hoạt động của hệ trao đổi chất.
Thường đến giữa tháng 3, sóc sẽ tỉnh dậy nhưng vẫn ở dưới dòng đất cho đến khi hết thức ăn dự trữ đã chuẩn bị từ trước. Đến giữa tháng 4, chúng mới bắt đầu lên mặt đất lúc này vẫn còn phủ tuyết nhiều nơi.
Điều thú vị ở loài sóc này chính là con đực trước khi ngủ đông thường chủ động làm nhỏ tinh hoàn của mình, đồng thời tạm dừng việc sản xuất testosterone.
Do đó, khi mùa xuân đến, cơ thể trở lại bình thường, sóc đực chẳng khác nào như trải qua giai đoạn… "dậy thì" một lần nữa. Chúng có nhu cầu tìm bạn tình ngay lập tức, và nhiều con đực bất đắc dĩ phải tranh đấu với nhau đến độ có thể mất mạng.
Trong khi đó, con cái thường lên mặt đất chỉ sau 1 ngày thức dậy vì không có thói quen dự trữ thức ăn như con đực. Trên lý thuyết, sóc cái có thể mang thai chỉ 2 ngày sau đợt ngủ đông.
GS Loren Buck ở ĐH Northern Arizona (Mỹ) - chuyên nghiên cứu về sóc đất - cho biết khoảng 25 ngày sau ngủ đông, sóc cái sẽ sinh nở, thường cho ra 5-8 con.
"Sóc chăm sóc con vào mùa hè, và khi mùa đông đến sẽ lại bắt đầu một quá trình mới" - Loren Buck nói.
"Hội" những người mẹ cùng nuôi con
Một con dơi đang ngủ trên vỏ cây - (Ảnh: GETTY IMAGES).
Một loài vật khác cũng bắt mùa sinh nở sau khi ngủ đông là dơi. Theo PGS Joy M. O’Keefe - chuyên gia về dơi ở ĐH Indiana (Mỹ) - cho biết dơi cái ở phương Bắc thường bay tìm những cái cây lớn hoặc một hang động khác thích hợp cho việc sinh con.
Thông thường, một nhóm dơi mẹ, khoảng 10-12 con, tập hợp cùng một điểm để sinh con. Trong 50-60 ngày sau sinh nở, các mẹ thường giúp đỡ nhau chăm con và thay phiên làm nhiệm vụ kiếm ăn cho nhóm.
Lúc này, dơi đực có thêm một ít thời gian nghỉ ngơi do không có nhiệm vụ trông con, sau đó mới thực sự "tỉnh táo" sau kỳ ngủ đông.

Những điều thú vị về loài cá sấu
Sở hữu thân mình giống những loài bò sát từng sống ở thời tiền sử, cá sấu mang trong mình sức mạnh tiềm ẩn từ thời cổ đại, giúp chúng trở thành vua trên các đầm lầy, sông nước khắp vùng nhiệt đới.

Chim Dẽ mỏ thìa ở Việt Nam được bảo tồn 3,3 triệu USD
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết: sắp tới, nhiều loài động vật, trong đó có chim Dẽ mỏ thìa được đưa vào danh sách các dự án bảo tồn với tổng trị giá viện trợ 3,3 triệu USD (2,4 triệu Euro).

11 loài chó kỳ lạ nhất hành tinh
Chó luôn được coi là người bạn thân thiết của con người vì vậy có thể bạn cho rằng bạn đã biết hết về loài chó. Tuy nhiên, sự thực không hẳn như vậy.

Cá Hoàng đế - thảm họa môi trường mới ở hồ Trị An
Do nhu cầu kinh tế, một số người dân sống trong vùng lòng hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã xây dựng ao thả một số loài cá bản địa và những thảm họa về môi trường bắt đầu xảy ra. Hiện thảm hoạ đáng kể nhất là từ loài cá Hoàng đế (ngư dân lò

Thế giới động vật - Những điều thú vị bạn chưa biết
Thế giới động vật muôn màu với bao điều lý thú. Không ai có thể tự cho mình là hiểu khá rõ về mọi loài tồn tại trên hành tinh của chúng ta.

Những loài cá khổng lồ của sông Mekong
Khối lượng cực đại của cá tra dầu sông Mekong đạt 300kg, còn chiều dài tối đa của cá đuối nước ngọt lên tới 5m. Sông Mekong, với hàng trăm loài cá và nguồn phù sa dồi dào, là mạch sống của hàng chục triệu người.
