Nơi nắng nhất hành tinh trên sa mạc Chile
Các nhà khoa học xác định một bình nguyên ở sa mạc Atacama của Chile nhận được lượng bức xạ Mặt trời nhiều ngang sao Kim.
Điểm nắng nhất trên Trái đất là Altiplano ở sa mạc Atacama, một bình nguyên khô cằn gần dãy núi Andes ở Chile nhận nhiều ánh nắng Mặt trời như sao Kim. Dù thường lạnh và khô, vùng đất đầy nắng nằm ở độ cao 4.000m này có nhiều nắng chiếu tới hơn các nơi ở gần xích đạo hơn hoặc cao hơn, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Bulletin of the American Meteorological Society, Live Science hôm 21/7 đưa tin.
Bình nguyên Altiplano ở sa mạc Atacama. (Ảnh: Pawel Toczynski).
Sa mạc Atacama rất đặc biệt vì nhiều lý do. Đây là sa mạc lâu đời nhất trên Trái đất, khô nhất ở ngoài vùng cực và có thể là nơi quang đãng nhất để quan sát bầu trời đêm. Altiplano ở Chile cũng nổi bật nhờ bức xạ Mặt trời, mức năng lượng ánh sáng phát ra từ Mặt trời tới Trái đất. Các nhà khoa học đo được mức kỷ lục thế giới ở bình nguyên này với 2.177 watt/m2. Để so sánh, bức xạ ở tầng trên cùng của khí quyển Trái đất vào khoảng 1.360 watt/m2.
"Đó thực sự là lượng bức xạ bạn sẽ nhận được vào mùa hè nếu đứng trên sao Kim", trưởng nhóm nghiên cứu Raul Cordero, nhà nghiên cứu khí hậu ở Đại học Groningen tại Hà Lan cho biết.
So sánh trên rất đáng chú ý bởi sao Kim nằm gần Mặt trời hơn 28% so với Trái đất. Bức xạ Mặt trời trung bình trên bình nguyên là 308 watt/m2, một kỷ lục thế giới khác cao gấp đôi so với ở Trung Âu và bờ Đông nước Mỹ.
"Khi bức xạ Mặt trời truyền qua khí quyển, nó bị hấp thụ bởi hơi nước và phân tán bởi các đám mây và aerosol", Seiji Kato, nhà khoa học khí quyển ở NASA, nói. "Tuy nhiên, địa điểm ở độ cao phía trên lớp hơi nước, có ít mây và aerosol, sẽ nhận được nhiều ánh nắng hơn".
Lý do khác khiến Chile nóng như vậy là do vị trí địa lý ở Nam bán cầu. Điều này đặc biệt đúng vào mùa hè khi quỹ đạo Trái đất ở gần Mặt trời hơn, dẫn tới lượng bức xạ tăng vọt, cao hơn 7% so với Bắc bán cầu. Trong khi dữ liệu vệ tinh cho thấy đây là khu vực nhiều nắng nhất thế giới, nghiên cứu mới giúp tái xác nhận và lý giải nguyên nhân phía sau lượng bức xạ cao như vậy.