Nơi nào đón bình minh đầu tiên trên Trái đất?
Hàng ngày Mặt trời mọc ở đâu đầu tiên và nơi nào đón bình minh sớm nhất khi năm mới đến?
Trên hành tinh hình cầu đang quay của chúng ta, Mặt trời không ngừng leo lên rồi lặn xuống qua đường chân trời. Nhưng Mặt trời mọc ở đâu đầu tiên trong ngày? Và với Mặt trời lặn sớm trong năm 2022, nơi nào sẽ đón khoảnh khắc ánh sáng đầu tiên của năm mới sắp đến?
Nơi nào trên Trái đất là nơi đầu tiên nhìn thấy Mặt trời mọc lên từ đường chân trời? (Ảnh: somnuk krobkum).
Theo học giả sau tiến sỹ về vật lý thiên văn lý thuyết, ông Cameron Hummels, thì từ góc độ vật lý thực sự không có Mặt trời mọc "đầu tiên" ở đâu cả. Chỉ có một loạt các cách hiểu Mặt trời mọc vĩnh viễn xảy ra ngày càng xa hơn về phía Tây.
Nhưng để theo dõi thời gian, con người đã lập ra một hệ thống tính thời gian, bao gồm các múi giờ và đường đổi ngày quốc tế để đánh dấu thời điểm một ngày bắt đầu và kết thúc ở mỗi nơi trên Trái đất. "Vì vậy Mặt trời mọc "đầu tiên" ở đâu coi như đã được thỏa thuận theo đường đổi ngày quốc tế" - học giả Hummels nói.
Đường đổi ngày quốc tế chạy qua Thái Bình Dương, chủ yếu dọc theo kinh độ 180. Phần lớn nó là một đường thẳng, nhưng cũng có một số đoạn nó bị lệch để tránh chia một quốc gia thành hai múi giờ vì lý do chính trị hoặc kinh tế. Ví dụ đường đổi ngày quốc tế nhô ra gần 3.200km về phía Đông xung quanh quần đảo Kiribati nằm trên đường xích đạo. Kiribati nằm ở múi giờ sớm nhất trên Trái đất, UTC+14, vì thế trong phần lớn thời gian của năm, Kiribati sẽ đón bình minh đầu tiên mỗi ngày.
Cụ thể trong quần đảo Kiribati thì đảo Thiên Niên Kỷ, hay còn có tên là đảo Caroline, không có người sinh sống và nằm ở cực Đông của Kiribati, là nơi đầu tiên trên Trái đất đón bình minh.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng là đảo Thiên Niên Kỷ. Trái đất nghiêng 23,5 độ so với quỹ đạo của mình, do đó ánh sáng Mặt trời chiếu xuống hành tinh của chúng ta sẽ thay đổi trong suốt năm. Trong ngày Đông Chí vào ngày 21 hoặc 22 tháng 12, Mặt trời chiếu sáng nhiều hơn ở Nam bán cầu, trong đó Nam Cực và hầu hết châu Nam Cực được chiếu sáng 24 giờ mỗi ngày, vậy thì ở đây cũng có thể coi như không có bình minh hay hoàng hôn.
Nhưng nếu để ý đến địa điểm ở 66,6 độ Nam, chúng ta sẽ thấy Mặt trời chỉ lặn một thời gian ngắn dưới đường chân trời rồi lại nhô lên tạo thành bình minh chỉ vài phút sau nửa đêm. Vì thế Đảo Mới (Young Island), một hòn đảo không có người sinh sống, thuộc New Zealand, thỉnh thoảng lại đón bình minh đầu tiên trong nhiều ngày và nhiều tuần xung quanh điểm chí, kể cả ngày 1 tháng 1.
Mặc dù vậy, theo Đài quan sát Hải quân Mỹ, Đảo Mới chỉ là nơi đầu tiên đón bình minh trong khoảng 10 đến 15% thời gian trong năm. Thời gian còn lại, hiệu ứng khúc xạ ánh sáng của khí quyển Trái đất mạnh đến mức bạn có thể tiếp tục nhìn thấy ánh sáng Mặt trời trên Đảo Mới ngay cả khi Mặt trời lặn dưới đường chân trời, nên khó xác định hoàng hôn hoặc bình minh thực sự là lúc nào. Vào những ngày như vậy, sông băng Dibble, một bán đảo trên bờ biển Nam Cực, lại là nơi đón bình minh đầu tiên.
Vào khoảng thời gian Hạ Chí, khoảng từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 6, Mặt trời chiếu trực tiếp vào Bắc bán cầu nhiều hơn Nam bán cầu. Vì thế bình minh đầu tiên sẽ ở xa hơn về phía Bắc. Đường đổi ngày quốc tế đi ngoằn ngòeo giữa Nga và Alaska qua eo biển Bering. Đường đổi ngày chia đôi quần đảo Ngày Mai (Diomede Islands). Đảo Ngày Mai Lớn thuộc Nga và đảo Ngày Mai Nhỏ thuộc Mỹ. Trong những tuần hay thậm chí vài tháng trước ngày 21 tháng 6, hòn đảo thuộc Nga là nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên thế giới.