Ong làm mật như thế nào?
Vậy loài côn trùng này này làm mật như thế nào? Đây là một công việc đòi hỏi sự hợp tác tập thể và có tổ chức.
Những chú ong bận rộn
Chắc bạn đã biết nguyên liệu quan trọng nhất để làm mật là hoa.
Một đàn ong có thể ghé thăm đến 50 triệu bông hoa mỗi ngày, mà một đàn ong có đến khoảng 60.000 con. Người ta gọi “con ong chăm chỉ” không phải là không có lý.
Ong mật làm việc cùng nhau theo nhóm để đưa ra quyết định nơi nào có hoa tốt nhất. Chúng giao tiếp với nhau bằng va chạm, âm thanh và thậm chí cả những chuyển động lúc lắc như múa.
Mỗi con ong làm một nhiệm vụ, tùy theo tuổi đời của nó. Để làm ra mật, ong thợ bay xa tới 5km để tìm hoa và mật ngọt của hoa. Thông thường, mỗi chuyến đi tìm mật, chúng ghé thăm từ 50 đến 100 bông hoa.
Mật hoa là thành phần chính của mật ong và cũng là nguồn năng lượng chính cho ong. Những con ong dùng chiếc lưỡi dài như ống hút gọi là vòi, để hút các giọt mật hoa từ bộ phận đặc biệt tạo ra mật của hoa gọi là tuyến mật.
Khi mật hoa chui vào đến dạ dày của ong, dạ dày bắt đầu phân tách các loại đường phức hợp của mật hoa thành các loại đường đơn giản hơn và ít có xu hướng tinh thể hóa, tức là không bị đông rắn lại.
Khi một con ong trở về đàn, nó chuyển lượng mật này sang cho một con ong khác trẻ tuổi hơn gọi là ong nhà. Ong nhà là ong có 12 – 17 ngày tuổi.
Ong nhà đem mật hoa vào trong tổ và cất mật vào những lỗ sáp ong hình lục giác. Sau đó chúng biến đổi mật hoa thành mật ong bằng cách dùng cánh của mình quạt ra luồng khí ấm làm khô mật hoa.
Ong mật đổ đầy mật vào các lỗ sáp trong tổ rồi đậy nắp lại.
Khi mật ong đã khô, chúng đậy nắp lên lỗ sáp đó bằng một lớp sáp tươi làm cho lỗ sáp trở thành một lọ mật ong tí hon. Vào mùa đông khi hoa không còn nở nữa và không có nhiều mật hoa để kiếm về thì những con ong có thể mở những lọ mật của chúng ra và cùng chia nhau ăn chỗ mật để dành này.
Mật ong: thức ăn phù hợp với cả người và ong
Vì mật hoa do hoa sinh ra nên có hàng trăm loại mật ong có màu sắc, mùi và vị khác nhau. Một số loại mật ong còn có thể dùng làm thuốc.
Ngoài ra, ong không chỉ kiếm mật hoa làm mật ong. Khi chúng đến thăm các bông hoa, chúng cũng thu thập cả phấn hoa. Phấn hoa là nguồn protein dồi dào để giúp cho ong khỏe mạnh.
Phấn hoa là một dạng bột mà các loài cây và cỏ có hoa tạo ra và phát tán để giúp có thêm nhiều cây cùng loài mọc ra xung quanh. Phấn hoa có thể phát tán bằng nhiều cách như là gió thổi cuốn vào không khí, hoặc do côn trùng đem từ cây này sang cây khác.
Như vậy bằng việc đem phấn hoa từ bông hoa này sang bông hoa khác, ong cũng giúp thụ phấn cho hoa. Nhờ có thụ phấn mà cây tạo ra được quả và hạt cho chúng ta ăn. Trên thực tế, 1/3 lượng thức ăn của chúng ta có được là nhờ ong thụ phấn mà sinh ra.
Một người nuôi ong ở cao nguyên Mật Ong, Henao Longgar, miền Đông Papua New Guinea, đang cầm một cầu ong.
Những “người” thụ phấn khắp toàn cầu
Bạn có biết ong mật màu vàng chỉ là một trong hơn 20.000 loài ong trên thế giới không? Và chỉ có một số loài ong biết làm mật mới được gọi là ong mật.
Trên thế giới chỉ có gần 20 loài ong mật. Ong mật ở Đông Nam Á chủ yếu là ong Apis cerana do người nuôi ở vùng nông thôn và núi cao hẻo lánh. Ở Nepal và Indonesia còn có ong mật khổng lồ Apis dorsata chỉ sống trên những vách đá cao và cây cổ thụ. Một số ong mật chỉ có ở Úc, như là Tetragonula carbonaria và Austroplebeia australis
Cũng giống như vật nuôi trong nhà, ong cũng cần được chăm sóc. Vì thế, trồng thêm những loài cây ra hoa lúc nào cũng là việc nên làm, để chúng ta không chỉ được nhìn và ngửi những bông hoa thơm tươi đẹp mà còn giúp cho ong và nhờ ong là cả chúng ta cũng có thêm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng.