Ống phóng tên lửa có thể trở lại Trái đất sau 50 năm
Các nhà khoa học theo dõi một vật thể sắp tiến vào quỹ đạo Trái đất nhưng chưa rõ đây là tiểu hành tinh hay ống phóng tên lửa cũ.
Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện vật thể 2020 SO nhờ Kính viễn vọng Khảo sát Toàn cảnh và Hệ thống Phản ứng Nhanh (Pan-STARRS) tại Đài quan sát Haleakala, Hawaii, Mỹ, hôm 19/8. Nhưng trong tháng này, khi tiếp tục theo dõi 2020 SO, họ bắt đầu nghi ngờ đây không phải tiểu hành tinh mà là ống phóng tên lửa sử dụng từ những năm 1960.
Quỹ đạo của Trái đất (xanh) và 2020 SO (trắng) quanh Mặt trời (điểm màu vàng ở giữa). (Ảnh: Space).
"Tôi cho rằng vật thể mới phát hiện có khả năng là ống phóng tên lửa đẩy cũ vì nó đang bay quanh Mặt trời với quỹ đạo rất giống Trái đất, chỉ xa hơn một chút. Hai quỹ đạo đều có hình dạng gần tròn và nằm trên cùng mặt phẳng", tiến sĩ Paul Chodas, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái đất thuộc NASA, nhận định. 2020 SO cũng di chuyển chậm hơn nhiều so với tiểu hành tinh bình thường.
"Đó là kiểu quỹ đạo mà tầng tên lửa tách ra từ tàu vũ trụ Mặt trăng sẽ bay theo. Nó đi qua Mặt trăng và tiến vào quỹ đạo quanh Mặt trời. Một tiểu hành tinh rất khó có thể di chuyển với quỹ đạo này", ông nói thêm.
Chodas phân tích chuyển động của 2020 SO và liên hệ với những nhiệm vụ Mặt trăng trong lịch sử. Ông nhận thấy nó có thể liên quan đến vụ phóng tàu vũ trụ Surveyor 2 (Mỹ) ngày 20/9/1966. Mục tiêu của nhiệm vụ là hạ cánh an toàn xuống Mặt trăng nhưng thất bại. Chodas nghi ngờ tên lửa Centaur dùng để chở con tàu đã bay qua Mặt trăng, tiến vào quỹ đạo quanh Mặt trời rồi mất hút cho đến nay.
2020 SO có khả năng sẽ tiến vào quỹ đạo xa xung quanh Trái đất cuối tháng 11. Nếu là tiểu hành tinh, 2020 SO sẽ được coi là Mặt trăng mini, loại thiên thể mắc kẹt trên quỹ đạo Trái đất vài tháng hoặc vài năm, sau đó thoát đi hoặc lao xuống khí quyển bốc cháy. Tuy nhiên, nếu là ống phóng tên lửa cũ, 2020 SO sẽ chỉ là rác vũ trụ.
"Trong khoảng một tháng chúng tôi sẽ thu được dấu hiệu để xác định xem 2020 SO có phải là một bộ phận tên lửa hay không. Lý do là khi đó, chúng tôi bắt đầu có thể theo dõi ảnh hưởng của áp suất ánh sáng Mặt trời đến chuyển động của 2020 SO. Nếu là ống phóng tên lửa, nó sẽ không đặc như tiểu hành tinh và tác động nhẹ của áp suất ánh sáng cũng đủ khiến nó thay đổi chuyển động. Chúng tôi có thể phát hiện điều này trong dữ liệu theo dõi", Chodas giải thích.
Việc tầng tên lửa cũ bay theo quỹ đạo Mặt trời rồi trở lại quỹ đạo Trái đất hiếm khi xảy ra. Nếu đúng, 2020 SO mới chỉ là lần thứ hai từng ghi nhận. Lần đầu tiên xảy ra năm 2002 với vật thể khả năng cao là tầng trên của tên lửa Saturn V trong nhiệm vụ Apollo 12.