Phát hiện 2 loài cóc đốm mới ở Việt Nam
Các nhà khoa học Nga vừa công bố hai loài cóc đốm mới là cóc đốm tre (kalophrynus cryptophonus) và cóc đốm Hòn Bà (kalophrynus honbaensis).
Hai loài cóc đốm mới này có đặc điểm hình thái gần giống với loài cóc Kalophrynus interlineatus – một loài khá phổ biến có vùng phân bố rộng khắp Đông Nam Á.
Cóc đốm tre (Kalophrynus cryptophonus). (Ảnh: Eduard Galoyan)
Theo đó, cóc đốm tre (Kalophrynus cryptophonus), tên loài đươc đặt theo một danh từ xuất phát từ tiếng Hy Lạp, “cryptos” có nghĩa là "ẩn", "bí ẩn" và “phonus” có nghĩa là "tiếng kêu". Trong một đợt nghiên cứu ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, nhà nghiên cứu người Nga đã phát hiện tiếng kêu rất lạ của một loài ếch. Khi xác định vị trí tiếng kêu và phải mất hai tuần sau các nhà nghiên cứu mới bắt được loài này trong một chiếc ống tre ở độ cao 800m so với mực nước biển.
Cóc đốm Hòn Bà (Kalophrynus honbaensis). (Ảnh: Vitany Trounov)
Cóc đốm Hòn Bà (Kalophrynus honbaensis) với tên được đặt theo địa danh khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà thuộc tỉnh Khánh Hòa. Loài này được phát hiện ở các khu rừng có độ cao 1.500m so với mực nước biển.
Nhà nghiên cứu Phùng Mỹ Trung cho biết: “Việc phát hiện hai cóc đốm mới ở Việt Nam đã làm gia tăng số lượng loài thuộc giống Kalophrynus lên ba loài và chứng tỏ Việt Nam là quốc gia có đa dạng sinh học cao trong khu vực. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải quan tâm, bảo tồn đa dạng sinh học này”.