Phát hiện 60 xác tàu nguyên vẹn sau 2.000 năm dưới biển Đen
Các nhà khoa học tìm thấy tổng cộng 60 xác tàu đắm được bảo quản hoàn hảo từ cách đây hơn 2.000 năm dưới đáy biển Đen.
Một trong những dự án khảo cổ dưới biển lớn nhất thế giới đã kết thúc hôm qua, sau khi chuyến thám hiểm kéo dài ba năm hé lộ hơn 60 xác tàu đắm cổ đại, trong đó con tàu lâu đời nhất có niên đại 2.500 năm tuổi, theo International Business Times.
Dự án Black Sea MAP nhằm tìm hiểu những thay đổi trong môi trường cổ đại ở khu vực biển Đen, bao gồm tác động của sự thay đổi mực nước biển trong thời kỳ băng hà cuối cùng. Tuy nhiên, các nhà khoa học rất bất ngờ khi vô tình tìm thấy một đoàn tàu đắm trong lúc sử dụng robot dưới nước để khảo sát vùng ven biển Bulgari. Phần lớn những chiếc tàu từ nền văn minh La Mã, Hy Lạp và Ottoman được bảo quản một cách hoàn hảo.
Biển Đen gần như không có ánh sáng, oxy với rất ít dạng sống tồn tại, có nghĩa các tổ chức sinh vật phân hủy gỗ trong nước. Điều kiện này giúp duy trì xác tàu trong tình trạng giống hệt như khi chưa đắm, nhiều con tàu vẫn đứng vững, bánh lái còn nguyên và vô số thiết bị cũng như thùng hàng nằm trên boong.
Trên một chiếc tàu La Mã 2.000 năm tuổi, các nhà nghiên cứu thậm chí tìm thấy sợi dây thừng vẫn nguyên vẹn, và có một số tàu họ mới chỉ thấy trước đó trong những bức bích họa cổ đại. Tất cả đồ tạo tác nhóm nghiên cứu phát hiện đều được in lại bằng máy in 3D thuộc loại chi tiết nhất thế giới.
Xác một chiếc tàu đắm nguyên vẹn từ thời đế chế Ottoman. (Ảnh: Rodrigo Pacheco Ruiz).
"Giờ đây, Black Sea MAP đang tiến tới chặng cuối của mùa thứ ba, hoàn thành khảo sát hơn 1.300km, thu thập 100 mẫu vật lõi trầm tích và khám phá thêm 20 xác tàu mới, cùng với 40 xác tàu tìm thấy trước đó", giáo sư Jon Adams ở Đại học Southampton, Anh, cho biết.
Từ dữ liệu và vật liệu nhóm nghiên cứu thu thập, họ có thể khôi phục lại những thay đổi trong môi trường cổ đại, hiểu rõ hơn về tác động của quá trình lên quần thể dân cư trong vùng thời đó.