Phát hiện bánh ngọt Lazy Cakes và bỏng ngô chứa chất ma túy
Không chỉ Thanh Hóa phát cảnh báo về loại bánh ngọt Lazy Cakes có tẩm cần sa du nhập vào Việt Nam, tại Hà Nội một người phụ nữ phải đi cấp cứu vì ăn phải bỏng ngô chứa chất ma túy. Việt Nam khó phát hiện các loại ma túy mới nên mọi người cần chú ý để phát hiện mình nhiễm ma túy kịp thời.
Bánh và bỏng tẩm ma túy gây nguy hại nghiêm trọng
Công an tỉnh Thanh Hóa bánh Lazy Cakes thường gọi là “bánh lười”, đây là một loại bánh ngọt có tẩm cần sa mới du nhập vào Việt Nam.
“Bánh lười” thực chất là một loại ma túy được chế dưới dạng bánh ngọt. Nguyên liệu để làm bánh là cần sa, chiết xuất thành dung dịch. Sau đó hỗn hợp này tiếp tục được trộn với bột mì, trái cây khô, sôcôla… rồi nướng, hấp thành bánh và đóng gói bán. Giá bán khoảng 200.000 - 300.000đ/bánh.
Loại bánh ngọt "độc địa" này đã được du nhập vào Việt Nam khoảng 4 năm nay, nhưng gần đây được các đối tượng đẩy mạnh mua bán nhằm che giấu sự phát hiện của các Cơ quan chức năng, người sử dụng chủ yếu là giới trẻ, đặc biệt có học sinh, sinh viên.
Khi sử dụng, chất ma túy sẽ ngấm nhanh vào máu khiến cho người sử dụng có cảm giác hưng phấn, ảo giác. Người sử dụng sẽ dễ buồn ngủ hoặc chỉ thích nằm hay ngồi một chỗ cười. Loại bánh này được cảnh báo có thể gây suy hô hấp tạm thời và có thể khiến cho người dùng lâm vào trạng thái mê man. Đây là một dạng có chứa chất ma túy thuộc danh mục cấm, mới xuất hiện ở Việt Nam.
Bánh Lazy Cakes chứa chất ma túy du nhập vào Việt Nam.
Tại Hà Nội, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện Trung tâm đang điều trị cho một bệnh nhân nữ (56 tuổi, ở Thanh Xuân Hà Nội) được chẩn đoán bị ngộ độc cần sa sau khi ăn nhầm bỏng ngô nghi có tẩm cần sa.
Theo đó, tầm 16h30 ngày 29/11, chị Phạm Thị C. có ăn 2 miếng bỏng ngô (do con chị đặt mua trên mạng). Sau 1 tiếng, chị C. cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, sau đó ý thức lơ mơ nên được người nhà đưa vào Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm cho biết, kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC (một chất chính có trong cần sa). Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cần sa, được cấp cứu và điều trị theo đúng phác đồ nên đã qua cơn nguy kịch.
Loại bỏng ngô chứa cần sa khiến bệnh nhân Phạm Thị C. ngộ độc.
Các phòng xét nghiệm hiện đại còn chưa kịp nghiên cứu phát hiện
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, hiện nay có nhiều loại ma túy mới xuất hiện, không chỉ dưới các dạng truyền thống như dạng viên, dạng bột, dạng tem… mà còn được trộn vào nhiều loại thực phẩm, đồ ăn, thức uống. Trước đó, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc cần sa có trong các loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo và trong thuốc lá điện tử, thuốc lào….Đây là lần đầu tiên ngộ độc cần sa sau ăn bỏng ngô được phát hiện.
Hiện nay có rất nhiều loại ma túy, không chỉ được bán và sử dụng kín đáo mà còn len lỏi phổ biến công khai vào đời sống hàng ngày, liên tục thu hút lôi kéo mở rộng số người tham gia sử dụng và nghiện. Lý do là các loại ma túy đó được đưa vào thuốc lá điện tử chưa bị cấm, các đồ ăn thức uống và ở các tụ điểm giải trí. Việc quản lý mua bán online chưa đạt khiến việc phát tán rất nhanh chóng.
TS.BS Nguyên cũng nhấn mạnh, cần sa là một loại ma túy tự nhiên và cổ điển, việc xét nghiệm phát hiện dễ dàng, tuy nhiên hầu hết các ma túy khác hiện nay là các chất mới, được các kẻ xấu thay đổi và tạo mới hàng ngày (thường được gọi dưới tên không chính xác là các chất cần sa tổng hợp), các phòng xét nghiệm hiện đại của đất nước còn chưa kịp nghiên cứu tìm ra cách phát hiện, nhà nước còn chưa kịp đưa vào danh sách cấm, thì đã có chất mới xuất hiện thêm.
Ma túy trong kẹo.
Hiện nay, ngoài một vài phòng xét nghiệm thuộc hệ thống pháp y, khoa học hình sự thì tất cả các phòng xét nghiệm ở các bệnh viện và tất cả các đơn vị cơ động kiểm tra ma túy nhanh trên cả nước đều không thể xét nghiệm phát hiện các ma túy mới này. Do đó, tất cả các ma túy này dễ dàng đi qua cửa khẩu hải quan một cách công khai và xâm nhập gây hại cho đất nước. Có thể nói tất cả các loại ma túy ở Việt Nam hiện nay đang chủ động thách thức tất cả các cơ quan chức năng của chúng ta, chúng cũng đang vượt lên trước thắng thế các nỗ lực quản lý của nhà nước và sự quan tâm của các gia đình, xã hội.
Giúp trẻ vị thành niên tránh xa chất gây nghiện
TS.BS. Chu Thanh Sơn, Khoa Hồi sức tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, Trong cần sa có chứa một số cannabinoid, với thành phần chính là chất delta-9tetrahydrocannabinol (THC). THC sẽ gắn với thụ thể cannabinoid CB1 và CB2 ở não có thể gây ra các tác dụng kích thích, an thần hoặc ảo giác phụ thuộc vào liều và thời gian sau khi sử dụng. Ngoài ra THC có thể đồng thời gây các tác dụng giải phóng catecholamine (gây nhịp tim nhanh) và ức chế phản xạ giao cảm (bệnh nhân tụt huyết áp tư thế).
Khi sử dụng cần sa, người dùng thường có triệu chứng như nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, xung huyết kết mạc, chảy nước mắt, nói nhiều, hoang tưởng, kích động mạnh thậm chí có những hành vi và hành động tiêu cực tự gây hại cho mình và người khác. Sử dụng cần sa trong thời gian dài thường liên quan đến các bệnh lý tâm thần, viêm phế quản mạn, tăng nguy cơ ung thư, rối loạn nhịp tim và bệnh lý mạch vành. Khi ngộ độc nặng có thể gây ra tình trạng khó thở, suy hô hấp, co giật, shock đe dọa tính mạng.
Ma túy trong thuốc lá.
TS.BS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa con cái sa vào con đường nghiện hút. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong giai đoạn trẻ đang trải qua những thời điểm khó khăn như: quá trình thay đổi tâm sinh lý và hình thành nhân cách tuổi dậy thì, chuyển cấp học, chuyển trường hay gia đình có nhiều mâu thuẫn, cha mẹ ly hôn…
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa kỳ (CDC), rượu, cần sa và thuốc lá là những chất được vị thành niên sử dụng phổ biến nhất, 50% học sinh lớp 9 đến 12 đã từng sử dụng cần sa. Việc trẻ ở nhóm tuổi này có nhiều nguy cơ sử dụng các chất gây nghiện, chất ma túy có nhiều nguyên nhân. Trẻ vị thành niên luôn tò mò, muốn thử trải nghiệm tìm cảm giác lạ, muốn tự khẳng định bản thân và có xu hướng mạo hiểm.
Một lý do khác khiến trẻ vị thành niên tìm đến các chất gây nghiện chính là muốn thoát khỏi các áp lực rất đa dạng trong cuộc sống như các stress trong gia đình (bố mẹ mâu thuẫn, ly thân..,), áp lực trong nhà trường (thi cử, học tập…) và stress trong các mối quan hệ bạn bè, tình yêu… Trong đó, trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ bạn bè. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý và quan tâm đến bạn bè của con để giúp con tránh chịu ảnh hưởng xấu, bị lôi kéo sử dụng chất ma túy.
Gần gũi, làm bạn với con, giúp con có sự cân bằng hợp lý giữa học tập, nghỉ ngơi thư giãn và thể thao là cách các bậc phụ huynh nên làm để giúp con có lối sống lành mạnh, phòng ngừa nguy cơ sử dụng chất ma túy.
Một số dấu hiệu gợi ý nguy cơ trẻ có thể đã sử dụng chất ma túy như: rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, thức suốt đêm hoặc ngủ quá nhiều), sao nhãng các thú vui hoặc sở thích bình thường trẻ vẫn thích, rối loạn hành vi, dễ cáu giận, nhu cầu cần nhiều tiền và kết quả học tập sút kém… |