Phát hiện bất ngờ: Cá hồi không chỉ để ăn!
Cá hồi xông khói, cá hồi nướng hay cuốn sushi đều là món ăn tuyệt hảo. Nhưng với nghiên cứu mới nhất của Đại học Thanh Hoa Đài Loan và Viện Công nghệ Karlsruhe của Đức, cá hồi còn có thể là thiết bị lưu trữ dữ liệu tuyệt vời của tương lai.
>>> Mạch máu nhân tạo từ da cá hồi
Sử dụng các hạt nano bạc, hai đầu điện cực electrode và một tấm phim mỏng ADN cá hồi, các nhà khoa học đã tạo ra một thiết bị lưu trữ “ghi một lần, đọc nhiều lần” (WORM) với những ưu việt để có thể thay thế hoàn toàn silicon.
Về cơ bản, cơ chế hoạt động của thiết bị này dựa trên cách nguyên tử bạc chuyển động bên trong tấm phim mỏng. Khi chiếu tia UV lên hệ thống, các nguyên tử bạc sẽ va chạm với các hạt nano bên trong tấm phim. Gắn hai điện cực vào hai mặt của tấm phim, bạn sẽ có một thiết bị lưu trữ dữ liệu quang học, Popsci cho biết.
Khi không có (hoặc rất ít) dòng điện chạy qua thiết bị, máy sẽ ở trạng thái “tắt”. Nếu bạn chậm rãi tăng điện áp lên, thiết bị sẽ chuyển sang chế độ “bật”. Nói cách khác, dòng điện sẽ tạo ra hai trạng thái “tắt” – “bật” liên tục giống như các điện tử và hệ thống nhờ vậy có thể lưu trữ dữ liệu giống như mọi thiết bị lưu trữ quang học khác, các nhà khoa học giải thích.
Họ hy vọng phát hiện này có thể mở ra những hướng thiết kế hoàn toàn mới dành cho ổ quang lưu trữ trong tương lai.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên giới nghiên cứu cho rằng ADN có tác dụng lưu trữ. Trước đây, Đại học Imperial London từng tạo ra một cổng logic từ ADN và vi khuẩn, trong khi các nhà khoa học Mỹ biến đổi gene của vi khuẩn E.coli và lấy hệ gene ADN của nó để giải một câu đố toán học kinh điển.