Phát hiện bộ xương thủy quái ở Siberia
Suốt nhiều thế kỷ qua, vô số cư dân sống gần vùng hồ Labynkyr xa xôi ở Siberia (Nga) thông báo đã nhìn thấy một sinh vật dưới nước to lớn, kỳ lạ. Tất cả làm dấy lên những lời đồn đoán về sự tồn tại của một con quái vật khổng lồ trong khu vực.
>>> Lặn xuống đáy hồ lạnh nhất Trái Đất vào mùa Đông
Theo báo Siberian Times, một nhóm nhà khoa học thuộc Hiệp hội Địa lý Nga tuyên bố vừa phát hiện phần còn lại của bộ xương thuộc về một sinh vật trùng khớp với mô tả về “con quỷ” hồ Labynkyr, mặc dù những người hoài nghi vẫn chưa tin vào sự tồn tại của con quái vật huyền thoại.
Viktor Tverdokhlebov, thành viên nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Địa lý Nga, cho hay: “Hiện có đủ dạng giả thuyết về việc sinh vật kỳ lạ có thể là gì: một con cá chó (cá lớn răng nhọn), một con bò sát hoặc động vật lưỡng cư khổng lồ. Chúng tôi đã không thể chứng minh hoặc bác bỏ những giả thuyết này … nhưng rốt cuộc đã tìm thấy phần còn lại của xương hàm và bộ xương của một sinh vật lạ”.
Phát hiện trên có được khi nhóm nghiên cứu, bao gồm các thợ lặn đến từ Bộ Những vấn đề khẩn cấp Nga, các chuyên gia quay phim thuộc Công ty phát thanh truyền hình quốc gia Sakha và các nhà khoa học đến từ Đại học công lập Yakutsk, đang thám hiểm đáy hồ để thu thập các mẫu nước, thực vật và động vật.
Trang Voice of Russia đưa tin, thông qua một máy quét dưới nước, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ở dưới đáy hồ một xương hàm và phần còn lại một bộ xương lớn. Ngoài các tuyên bố, nhóm nghiên cứu đã không công bố bất kỳ bằng chứng nào về khám phá của họ.
Giới khoa học vẫn đang tranh cãi về sự tồn tại của một
con thủy quái trong hồ Labynkyr. (Ảnh: Live Science)
Hồ bí ẩn chưa có giải đáp
Bản thân hồ Labynkyr đã một kho chứa bí ẩn khoa học suốt nhiều thế hệ qua. Mặc dù các hồ khác trong vùng bị đóng băng cứng trong suốt mùa đông dài của Siberia nhưng hồ Labynkyr không như vậy. Hồ vẫn duy trì nhiệt độ trên bề mặt gần như liên tục đạt mức 2 độ C, theo trang Daily Mail.
Điều này khiến một số người phỏng đoán rằng, một dòng suối ngầm, nóng phía dưới có thể đã giữ ấm hồ. Lý giải này được chấp nhận rộng rãi vì phần lớn đá trong khu vực hồ Labynkyr thuộc núi lửa và phần lớn khu vực phía đông Siberia luôn trong tình trạng tích cực hoạt động địa chấn, theo Hệ thống dữ liệu vật lý thiên văn Smithsonian/NASA.
Hồ Labynkyr khá rộng với diện tích gần 45km2 và độ sâu trung bình đạt 52 mét, mặc dù có một rãnh nước lớn ăn sâu xuống đáy tới 80 mét.
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện bằng chứng về “con quỷ” hồ Labynkyr. Ngoài truyền thuyết ở địa phương, một số nhà khoa học từng báo cáo đã nhìn thấy một sinh vật lạ trong hồ và cả ở gần hồ Vorota.
Năm 1953, một nhóm chuyên gia địa chất thuộc Viện Khoa học của Liên Xô, do nhà nghiên cứu Viktor Tverdokhlebov dẫn đầu, đã ghé thăm hồ Vorota. Ông Tverdokhlebov sau đó cho biết đã nhìn thấy một động vật dưới nước to lớn, cớ kích thước tương đương một thủy quái bơi gần mặt hồ.
Năm 2012 vừa qua, Ludmila Emeliyanova - một phó giáo sư chuyên ngành địa lý sinh vật tại Đại học Moscow – cũng tuyên bố đã sử dụng hệ thống định vị vật dưới nước bằng âm phát hiện sự tồn tại của nhiều vật thể to lớn, dưới nước hồ Labynkyr.
Phản bác của những người hoài nghi
Tất nhiên vẫn có vô số hoài nghi xung quanh những lời đồn thổi về “con quỷ” hồ Labynkyr và “quái vật” hồ Vorota, đặc biệt do thiếu các bằng chứng vật chất, bức ảnh hoặc video đã được xác thực.
Yury Gerasimov, nhà khoa học đến từ Viện Sinh vật học nước ngọt thuộc Học viên Khoa học Nga, tỏ ra hoài nghi: “Nếu chúng ta tin vào các câu chuyện về quái vật, chắc chắn khoảng cách giữa hai mắt của nó phải tới 1,5 mét. Nó đồng nghĩa với chiều dài cơ thể của nó phải lên tới 7 – 8 mét”.
Con thủy quái cũng thường được cho là một con cá lớn, chẳng hạn như cá chó. Tuy nhiên, theo ông Gerasimov, cá chó không sống đủ lâu để đạt tới kích thước “khủng” như vậy. “Có hai yếu tố giúp cá phát triển: chất dinh dưỡng và nhiệt độ nước thích hợp. Ngay cả nếu chất dinh dưỡng ở điều kiện hoàn hảo, chắc chắn nhiệt độ cũng không cao. Vì vậy, theo ý kiến của tôi, giả thuyết về một con cá chó khổng lồ hoàn toàn viển vông”.