Phát hiện dấu tích người tiền sử tại Vườn Quốc gia Ba Bể
Các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vừa phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn khảo sát, phát hiện nhiều di vật của người tiền sử tại khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Các nhà khảo cổ khảo sát tại hang Thẳm Khít.
Khảo sát tại hang Thẳm Khít nằm ở vùng lõi của Vườn quốc gia Ba Bể, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 54 hiện vật quý, trong đó có bộ công cụ đá cuội ghè đẽo, bộ công cụ rìu thô, mảnh tước… bước đầu xác định nơi đây có thể là dấu tích cư trú của người tiền sử thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ, cách nay gần 20.000 năm.
Ngoài ra, tại một số hang động khác nằm trong quần thể Vườn Quốc gia Ba Bể, các nhà khảo cổ cũng phát hiện nhiều hiện vật quý có niên đại từ 2.000 đến 20.000 năm về trước.
Nhiều hiện vật thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ được phát hiện.
Trước đó, vào tháng 6/2019, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện tại khu vực động Puông, xã Khang Ninh (thuộc Vườn Quốc gia Ba Bể) nhiều hiện vật bằng đá, xương như rìu, mảnh tước… xác định thuộc văn hóa Hòa Bình có niên đại cách nay khoảng 8.000 - 9.000 năm, cùng nhiều di tích gốm, sứ thuộc thời Lê Mạc.
Việc phát hiện di tích khảo cổ tại khu vực Vườn quốc gia Ba Bể không chỉ có ý nghĩa quan trọng với ngành khảo cổ mà còn là cơ hội để Bắc Kạn đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tới du khách những giá trị về văn hóa, lịch sử, góp phần phát triển du lịch địa phương.