Phát hiện dấu tích tượng đài gỗ 5.000 năm tuổi
Hai đường bờ đất cao 30-40cm, dài một km và gần như song song là tàn tích của một công trình dùng cho nghi thức thời Đồ Đá mới.
Các nhà khoa học phát hiện tượng đài Cursus tồn tại từ thời Đồ Đá mới tại Tormore, đảo Arran, Scotland, Scotsman hôm 21/1 đưa tin. Tượng đài Cursus là cấu trúc cổ xưa thường gồm những hàng cột gỗ tạo thành hình chữ nhật dài. Các hàng cột gỗ có thể đóng vai trò như một tuyến đường rước, dùng để tôn vinh người đã khuất. Một số bị thiêu cháy, tạo thành màn trình diễn ngoạn mục. Màn trình diễn này có thể là một trong các nghi thức liên quan đến những tượng đài Cursus đồ sộ.
Dấu tích tượng đài Cursus 5.000 năm tuổi trên đảo Arran (đường màu đỏ). (Ảnh: HES/Dave Cowley).
Dave Cowley, chuyên gia tại cơ quan Môi trường Lịch sử Scotland (HES), phát hiện tượng đài sau khi sử dụng công nghệ laser LiDAR để rà quét Arran. Công nghệ này đã giúp các nhà khoa học tìm thấy hơn 1.000 điểm khảo cổ tại hòn đảo.
Việc phát hiện tượng đài Cursus thời Đồ Đá mới trên đảo Arran là một bất ngờ lớn với nhóm nghiên cứu. "Đến nay, đây là tượng đài Cursus duy nhất tại Arran. Phát hiện này cho thấy, có thể còn nhiều tượng đài khác nhưng vì chủ yếu làm từ gỗ nên sẽ khó thấy chúng ở vùng đất than bùn chưa cải tạo thuộc bờ biển phía tây", Cowley nói.
Cowley tìm ra tượng đài ở Tormore sau khi phát hiện hai đường bờ đất nhô lên, nằm gần như song song. Chúng cao 30-40 cm, dài khoảng một km. "Nhìn vào địa hình, các đường này gần như chạy đến đỉnh của một sống núi. Người xưa đã tính toán vị trí tượng đài rất cẩn thận. Nơi đây có thể từng tồn tại một cấu trúc tầng trên nhưng chúng tôi chưa thể chắc chắn cho đến khi tiến hành khai quật", Cowley chia sẻ.
"Cấu trúc này nhiều khả năng chứa gỗ. Hiện chúng tôi chưa rõ nó có từng bị đốt cháy hay không", Cowley bổ sung. Ông cũng cho biết, tượng đài có thể đã giúp các cộng đồng dân cư phân bố rải rác trên đảo tập trung lại trong một hoạt động chung, mỗi cộng đồng xây dựng một phần tượng đài.