Phát hiện dấu vết của một loài người tiền sử mới tại Israel

Các nhà nghiên cứu Israel tìm thấy hài cốt của loài người cổ đại chưa từng được mô tả trước đây, làm tăng hiểu biết về lịch sử tiến hóa.

Cuộc khai quật tại một địa điểm gần thành phố Ramla ở miền trung Israel - do các nhà nghiên cứu từ Đại học Hebrew ở Jerusalem tiến hành - đã phát hiện ra những bộ xương thời tiền sử không khớp với bất kỳ loài nào đã biết trong chi Người (Homo), bao gồm cả người hiện đại (Homo sapiens).


Một thành viên trong nhóm nghiên cứu cầm hai mảnh xương của loài người cổ xưa mới. (Ảnh: Reuters).

Trong nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Science hôm 24/6, nhà nhân chủng học Yossi Zaidner cùng một số cộng sự tại Đại học Tel Aviv của Israel đã xác định các hài cốt có niên đại cách đây 120.000 - 140.000 năm. Họ đặt tên cho loài người cổ đại mới là Homo Nesher Ramla theo địa điểm khai quật.

"Hình thái của người Nesher Ramla có chung đặc điểm với cả người Neanderthal và người Homo cổ đại", Zaidner cho biết. "Tuy nhiên, loài Homo này rất không giống người hiện đại với cấu trúc hộp sọ hoàn toàn khác, không có cằm và răng rất lớn".

Cùng với hài cốt người, cuộc khai quật còn phát hiện ra một lượng lớn xương động vật và công cụ bằng đá.

"Những phát hiện khảo cổ liên quan đến xương người cho thấy Homo Nesher Ramla sở hữu kỹ thuật sản xuất công cụ bằng đá tiên tiến và rất có thể họ đã tương tác với người Homo sapiens địa phương. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cùng với người hiện đại, người Homo cổ xưa đã đi lang thang trong khu vực ở thời điểm muộn như vậy trong lịch sử loài người", Zaidner nói thêm.


Người Nesher Ramla có hình thái giống người Neanderthal nhưng khác người hiện đại. (Ảnh: Reuters).

Khám phá mới đã đặt ra một câu hỏi về giả thuyết được chấp nhận rộng rãi hiện nay là người Neanderthal xuất hiện lần đầu tiên ở châu Âu trước khi di cư xuống phía nam. Tuy nhiên, sự xuất hiện của người Nesher Ramla gợi ý rằng họ có thể chính là nguồn gốc của người Neanderthal ở châu Âu.

Tiến sĩ kiêm nhà nhân chủng học Rachel Sarig tại Đại học Tel Aviv, đồng tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh phát hiện về Homo Nesher Ramla đã củng cố vai trò của vùng đất Israel như "một ngã tư đường giữa châu Phi, châu Âu và châu Á", nơi các quần thể loài người khác nhau giao thoa và sau đó lan rộng khắp Thế giới cũ.

"Các nhóm nhỏ thuộc loài Nesher Ramla có thể đã di cư vào châu Âu và tiến hóa thành người Neanderthal, sau đó tiếp tục di cư đến châu Á và phát triển thành các quần thể có các đặc điểm tương tự", Sarig cho biết.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất