Phát hiện hài cốt "thằn lằn đầu rắn" chưa từng biết, 67 triệu tuổi
Sinh vật lạ này là một thủy quái thống trị biển khơi, nhưng bản chất vẫn là một loài bò sát, thuộc một nhóm lớn gọi là plesiosaur, tức thằn lằn đầu rắn.
Theo bài công bố trên tạp chí Cretaceous Research, mẫu vật mới đã được tìm thấy ở miền Trung Chile. Hài cốt hóa thạch bao gồm một mảnh xương sọ dài 20 cm, một số đốt sống cổ, gai thần kinh, một số xương sườn, hầu hết phần dạ dày, ức, một phần đuôi...
Chân dung loài thằn lằn đầu rắn mới - (Ảnh đồ họa: Nobu Tamura).
Công trình nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Rodrigo Otero và tiến sĩ Sergio Soto Acuna từ Đại học Chile đã giúp tái hiện lại chân dung một loài bò sát biển khá to lớn, là đại diện thứ 2 của Aristonectinae, một nhóm thằn lằn đầu rắn thuộc họ Elasmosauridae.
Được đặt tên là Wynyelfia maulensis, sinh vật dài 10 mét này có một họp sọ mở rộng, nhiều răng, cổ ngắn so với hầu hết các loài thằn lằn cổ rắn khác. Đó là một cá thể mới ở giai đoạn gần như trưởng thành, có thể có một chế độ dinh dưỡng khá khác biệt so với các loài anh em nhưng chưa rõ ràng. Nhưng chắc chắn đó vẫn là một loài ăn thịt nguy hiểm.
Loài thằn lằn đầu rắn mới này thống trị khu vực Đông Nam Thái Bình Dương trong cuối kỷ Phấn Trắng, cũng là thời hoàng kim của các loài khủng long. Riêng bản thân hóa thạch có niên đại 67 triệu năm, chỉ 1 triệu năm trước khi thảm họa tiểu hành tinh gây ra đại tuyệt chủng cho toàn bộ thế giới bò sát khổng lồ này.
Theo Sci-New, đây là một phát hiện đáng giá bởi bản thân họ Elasmosauridae là một nhóm bò sát nổi tiếng với khả năng "xâm lược" nhiều vùng của đại dương như khu vực Nam Mỹ, New Zealand và cả Nam Cực. Nhóm nghiên cứu vẫn đang tiếp tục xem xét hóa thạch để hy vọng giải mã thêm nhiều bí ẩn về giống loài đặc biệt này cũng như cách chúng thích nghi và nhanh chóng gia tăng dân số ở khắp nơi trên thế giới.